Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, khoảng 2,5 triệu lượt khách đi du lịch. Một số địa phương chưa thu hút được lượng khách như kỳ vọng do nhiều khách chỉ chọn đi gần và đi tự túc, đi du lịch nước ngoài, cắt giảm chi phí.
Thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay (từ 1-4/9), có khoảng 2,5 triệu lượt khách đi du lịch, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú đạt 55%, riêng hai ngày 1 và 2/9 công suất đạt trên 60%.
Về cơ bản không có sự cố, vấn đề nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên cả nước. Hiện tượng tăng giá, ép giá hay chặt chém, lừa đảo du khách không diễn ra.
Tuy nhiên, Cục Du lịch quốc gia đánh giá, một số địa phương chưa thu hút được lượng khách như kỳ vọng do xu hướng kỳ nghỉ lễ năm nay, nhiều khách chỉ chọn đi gần và đi tự túc gần nhà, ngay tại nơi sinh sống (staycation, drivecation), cắt giảm chi phí đi lại, du lịch...
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ 2/9 năm nay sát với Lễ Vu Lan (Rằm tháng 7) và cận ngày tựu trường, đồng thời khách nội địa vừa trải qua kỳ du lịch hè nên nhiều khách lựa chọn về quê và sum họp gia đình trong dịp nghỉ lễ.
Du khách thích thú khi ngắm vịnh Nha Trang bằng chèo SUP dịp nghỉ lễ 2/9.
Kết quả, TP.HCM ước đón và phục vụ 960.000 lượt, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 80%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với dịp lễ 30/4-1/5, lượng khách có tăng nhẹ (950.000 lượt), công suất phòng cao hơn 10% nhưng doanh thu thấp hơn, chỉ đạt 93%.
Hà Nội ước đón và phục vụ 640.000 lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Nhưng con số này vẫn thấp hơn 720.000 lượt khách và doanh thu 2.400 tỷ đồng dịp lễ 30/4.
Đón và phục vụ 503.154 lượt khách, lượng khách đến Khánh Hoà tăng 141% so với cùng kỳ. Công suất trung bình của cơ sở lưu trú đạt gần 69%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 662 tỷ đồng (tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái). Lượng khách này giảm gần một nửa so với dịp lễ 30/4.
Bà Rịa - Vũng Tàu đón và phục vụ 502.865 lượt khách, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng trung bình đạt 80-85%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 276 tỷ đồng.
4 ngày nghỉ lễ, có 328.000 lượt khách đến Thanh Hóa (tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng đạt trên 29%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 663 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. So với kỳ nghỉ lễ 30/4 giảm mạnh cả về lượng khách và doanh thu, lần lượt bằng 26,6% và 24% (với 1,2 triệu lượt khách và doanh thu 2.800 tỷ đồng).
Quảng Ninh ước đón và phục vụ 318.000 lượt khách, đạt 150% so với cùng kỳ 2022. Công suất phòng trung bình của khối khách sạn 4-5 sao đạt 80-100%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 665 tỷ đồng,đạt 134% so với cùng kỳ năm 2022.
Với khoảng 254.000 lượt khách (tăng 6,3% so với cùng kỳ), công suất phòng tại TP. Đà Nẵng đạt 50-55% (khối 4-5 sao đạt 60-65%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng.
Kiên Giang đón và phục vụ 126.690 lượt khách, giảm 32,9% so với cùng kỳ. Công suất phòng chỉ đạt trung bình 27%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 153 tỷ đồng.
Theo Cục Du lịch quốc gia, tổng thu du lịch giảm do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng (máy bay, tàu) trong khi giá dịch vụ vận chuyển tăng trong những ngày cao điểm.
Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trước lễ đã có thông tin cảnh báo mưa lớn vào dịp lễ và ảnh hưởng của bão số 3 (Saola) tại khu vực miền Nam và ĐBSCL, các tuyến tàu tới các khu, điểm du lịch đảo phải ngưng hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, khách hủy tour, thay đổi lịch trình.
Chưa kể, khách du lịch nội địa có lưu trú trong nước giảm do một bộ phận khách chọn đi du lịch nước ngoài.
Cụ thể, dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, tour outbound đang chia sẻ thị phần với khách nội địa. Lượng tour khởi hành và điểm đến rất đa dạng, đổi mới liên tục, đặc biệt ở các tuyến Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)... hay các tuyến Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia,... Riêng các tuyến châu Âu, Mỹ, lượng khách tiếp tục tăng khoảng 10-15% so với mùa hè.
Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist, trong quý III/2023 (gồm cả kỳ nghỉ 2/9), công ty này phục vụ 48 đoàn du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp sự kiện, hội thảo) đi nước ngoài với tổng cộng hơn 4.800 khách. Thời gian tới, công ty phục vụ 143 đoàn, tổng 21.755 khách đi Hàn Quốc, Hongkong - Thâm Quyến (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia,...
Đáng chú ý, lượng khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound của Việt Nam từ tháng 10 tới.
Trong đó, Đà Nẵng ước đón 78.900 lượt khách quốc tế; Hà Nội đón hơn 41.700 lượt (tăng 83,6% so với cùng kỳ); TP.HCM đón 37.600 lượt (tăng 15% so với cùng kỳ); Khánh Hòa đón 23.450 lượt (tăng 363,34% so với cùng kỳ);... Trong đó, khách chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Âu, Mỹ, thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.