Xứ sở 'hoa vàng cỏ xanh' hiện là một điểm đến an toàn với nhiều nơi khám phá mới như quảng trường Nghinh Phong, cao nguyên Vân Hòa, hồ điều hòa Hồ Sơn...
Ngoài Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, hải đăng Đại Lãnh hay cầu gỗ Ông Cọp, du khách đến với "xứ nẫu" Phú Yên mùa hè này không nên bỏ lỡ 5 điểm check-in sau:
Quảng trường Nghinh Phong
Quảng trường nằm ở ngã ba đường Nguyễn Hữu Thọ và Độc Lập, TP Tuy Hòa, nổi bật với công trình tháp đôi Nghinh Phong giữa một bên là biển xanh một bên là đường thẳng tắp. Kiến trúc độc đáo của tòa tháp lấy ý tưởng từ Gành Đá Đĩa - biểu tượng của du lịch Phú Yên và truyền thuyết "Con Rồng Cháu Tiên". Tháp gồm 2 bên với mỗi bên là 50 khối đá xếp liền kề, chính giữa hai khối đá cao nhất là khe gió chỉ đủ hai người đứng nhưng mỗi khi gió lùa qua sẽ tạo nên âm thanh như nhạc. Các khối đá được xây bằng bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá granite.
Thời điểm lý tưởng nhất để chụp ảnh là sáng sớm và đầu giờ chiều vì ít người và ánh sáng đẹp. Bên cạnh tháp đôi du khách có thể tham quan, chụp hình ở khu vực công viên, bờ kè, đường đi bộ... cũng trong khuôn viên quảng trường. Đặc biệt về đêm, tại tháp đôi có trình diễn ánh sáng 3D mapping và laser sinh động.
Du khách check-in tháp Nghinh Phong. Ảnh: Đồng Ngô
Hồ điều hòa Hồ Sơn
Nằm trải dọc hai bên đường Trần Phú, TP Tuy Hòa, hồ xây với tác dụng chính là thoát nước, chống ngập và điều tiết khí hậu nhưng kết hợp cả mảng xanh ven hồ, cầu đường nên khung cảnh nên thơ và hấp dẫn. Điểm nhấn ở đây là cây cầu bắc ngang hồ và những đường cong uốn lượn uyển chuyển của viền hồ. Dù mới hoàn thiện và đi vào hoạt động, nơi này đã thành một điểm hẹn "hot" cho các bạn trẻ chụp ảnh check-in, ngắm cảnh, hoặc đơn thuần là dạo chơi hóng gió.
Thác Vực Hòm
Vực Hòm nằm ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa khoảng 45 km. Đây là thác nước nằm giữa những cột đá bazan được thiên nhiên tạo thành theo cách tương tự như Gành Đá Đĩa của Phú Yên nên còn được mệnh danh là "Gành đá đĩa trên cạn". Cung đường đến đây không dễ nhưng khi cán đích du khách sẽ phải choáng ngợp vì phong cảnh hùng vĩ của thác nước tự nhiên đổ từ trên độ cao 20 m xuống. Dưới chân thác là hồ nước rộng, mát lạnh, bao quanh là các tán cây rừng xanh mát.
Địa điểm này rất thích hợp cho những người mê cắm trại, trốn nóng giữa thiên nhiên núi rừng hoặc thích săn ảnh. Do khu vực thác Vực Hòm còn hoang sơ, không có dịch vụ nên du khách đến khám phá cần chú ý đi theo nhóm, thu dọn rác trước khi về và không chơi trò mạo hiểm.
Một góc thác Vực Hòm. Ảnh: Thanh Nhân
Cao nguyên Vân Hòa
Là một cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, Vân Hòa nằm ở địa phận 3 xã Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân thuộc huyện Sơn Hòa và một phần huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa khoảng 40 km. Địa danh này được ví như "Đà Lạt của Phú Yên" nhờ nằm ở độ cao 400 m, khi hậu mát mẻ, nhiều nắng gió và thường có mây mờ sương giăng.
Cung đường dẫn tới cao nguyên Vân Hòa sẽ xuyên qua bạt ngàn những cánh đồng cỏ mía, tràm, ngô sắn, tiêu... xanh mướt cũng đủ làm du khách say lòng. Ở đây tuy chưa có nhiều dịch vụ du lịch nhưng không thiếu điểm tham quan, check-in như nhà thờ Bác Hồ, nhà thờ Trà Kê, buôn làng Ê đê, đập thủy điện sông Ba Hạ, chợ Đồn, khu cắm trại Camping trip...
Hòn Yến
Cách TP Tuy Hòa hơn 20 km, Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, huyện Tuy An là điểm check-in yêu thích không chỉ của khách du lịch mà cả giới nhiếp ảnh nhờ có những rạn san hô trên cạn nhiều màu sắc và hình thù. Du khách không phải đi tàu ra giữa biển mà chỉ cần thủy triều rút là có thể ngắm san hô. Theo dân địa phương, thủy triều chỉ cạn vào buổi chiều những ngày đầu tháng, hoặc giữa tháng âm lịch. Mỗi đợt nước xuống thường dài 2-3 ngày, lộ ra những lớp đá gai góc chồng chất và bãi cát vàng thơ mộng.
Nếu có thời gian lặn xa, du khách còn được chiêm ngưỡng thêm các khối san hô lớn hơn bên dưới mặt nước phía đông Hòn Yến tuy nhiên phải đi ít nhất 2 người. Tuy nhiên khi ngắm hay chụp san hô cần chú ý lựa chọn vị trí để tránh giẫm đạp lên chúng, đồng thời không vứt rác bừa bãi để bảo vệ môi trường biển.
Bãi san hô trên cạn ở Hòn Yến. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện