Với các tín đồ mê xê dịch, việc chinh phục được hết “bốn cực, một đỉnh” ở Việt Nam thực sự là niềm tự hào không gì sánh bằng và khiến ai cũng phải mơ ước.
Cột cờ Lũng Cú (Cực Bắc)
Cùng với vẻ đẹp hùng vĩ của vùng cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú hiên ngang trên đỉnh núi Long Sơn là địa danh đầy cảm xúc cho du khách khi đến với Hà Giang. Cột cờ Lũng Cú cao 29,5m với lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng rộng 54m2, đại diện cho 54 cộng đồng dân tộc anh em nước Việt. Chân bệ có sáu mặt phù điêu mang hoa văn của trống đồng Đông Sơn.
Cột cờ Lũng Cú là điểm cực Bắc của Tổ quốc. (Ảnh: Hoàng Ngọc) |
Để chinh phục được cực Bắc, du khách phải vượt qua những cung đường “đệ nhất hùng quan”, men theo triền núi đá với những khúc cua gấp liên tục, một bên là vách đá cao ngất trời, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Chưa dừng lại ở đó, để tận mắt chiêm ngưỡng cột cờ Lũng Cú, bạn phải leo lên 389 bậc thang sừng sững và 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, nhiều lúc đội mưa rào, nắng gắt với quyết tâm chinh phục điểm Cực Bắc.
Hoa văn trống đồng trên cột cờ Lũng Cú. (Ảnh: Hoàng Ngọc) |
Đứng ở đỉnh Cực Bắc phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ được tận hưởng cảnh thiên nhiên với núi non trùng điệp xen kẽ những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn. Xa xa, những buôn làng của người Lô Lô, Tày, Nùng thấp thoáng ẩn hiện như càng mờ ảo. Thời gian đẹp nhất để đến Lũng Cú là vào cuối tháng 10, khi hoa tam giác mạch đang nở rộ.
Mũi Cà Mau (cực Nam)
Từ Sài Gòn, có thể xuất phát theo hai hướng là từ vòng xoay Phú Lâm (quận 6) hoặc hướng ra đường cao tốc Trung Lương (quận 7), đi về miền cực Nam để tận hưởng không khí yên bình của cuộc sống. Có lẽ, cột mốc cực Nam Việt Nam là nơi thong dong nhất đối với những người ưa chinh phục mạo hiểm.
Mũi Cà Mau thiêng liêng và yên bình. (Ảnh: khamphadisan) |
Sau khoảng một giờ lênh đênh, ca nô cập bến đưa du khách đặt chân lên mũi Cà Mau thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi. Nơi đây có mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 và “mũi thuyền Cà Mau” sừng sững cùng sóng gió nơi tận cùng đất nước.
Trong khung cảnh bao la của biển trời, phượt thủ từ khắp mọi miền đều thấy mình như hòa nhập với thiên nhiên, lắng nghe tiếng sóng vỗ bên bờ mà cảm nhận trái tim yêu nước cũng như thổn thức khôn nguôi.
Mũi Đôi (Cực Đông)
Mũi Đôi - Cực Đông Việt Nam được mệnh danh là điểm đón mặt trời đầu tiên trên dải đất hình chữ S. Đường đến Mũi Đôi cũng phải trải qua hành trình đầy cam go, cực nhọc.
Đồi cát mênh mông và khắc nghiệt trên đường ra Mũi Đôi (Ảnh. Hồ Đức Anh) |
Từ Đầm Môn, vượt qua những đồi cát dài bất tận, các phượt thủ phải vừa đi xe, vừa lội bộ. Nơi đây được ví như sa mạc với những cung đường hoang sơ nóng như đổ lửa, không một bóng cây, thử thách tối đa sức chịu đựng của con người.
Mũi Đôi là điểm cực Đông mà dân phượt cả nước đều muốn chinh phục. (Ảnh: diadiemdulich) |
Sau khi vượt qua những đồi cát không dấu chân người, các phượt thủ phải đi bộ xuyên rừng trên những con đường đầy cỏ gai, cuối cùng lần theo những bờ đá sừng sững dọc bờ biển rồi mới đặt chân lên điểm cực Đông Việt Nam nhỏ bé mà kiêu hãnh.
Chạm đến cực đông Mũi Đôi, du khách sẽ có cảm giác vừa thỏa mãn, vừa thú vị và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp biển trời bất tận của vịnh Vân Phong.
A Pa Chải (Cực Tây)
Mốc 0 A Pa Chải nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, thuộc xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên với độ cao 1.864 m. Trong các điểm cực của Việt Nam, phải nói rằng điểm cực Tây là cung đường khó khăn nhất để chinh phục.
A Pa Chải được mệnh danh là nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”. (Ảnh: cungphuot.info) |
Thời điểm chinh phục điểm cực Tây Việt Nam là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, bởi vào mùa mưa, cung đường này trở nên vô cùng cùng nguy hiểm, vừa trơn trượt vừa có mây mù bao phủ.
Các phượt thủ phải băng rừng vượt suối hơn 15km. Địa hình liên tục thay đổi, khi là những con dốc cao trơn trượt đầy sỏi đá, cỏ lau vượt quá đầu người, khi lại lạc vào khu rừng già âm u hiểm trở với cơn mưa rừng luôn rập rình kéo đến. Nếu không có một ý chí kiên cường, bạn có thể sẽ bị khuất phục trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Tuy nhiên, lên tới điểm cực Tây Việt Nam, bạn sẽ cảm thấy thật hào hứng, phấn khởi với cảnh đẹp của A Pa Chải. Nơi đây có những bản làng còn mang nét hoang sơ, kỳ bí, những cánh đồng cỏ tranh và những rừng cây nguyên sinh dày đặc,....
Đỉnh Fansipan
Ngoài bốn cực Tổ quốc, Việt Nam còn tự hào có nóc nhà Đông Dương ở độ cao 3.143 mét so với mặt nước biển. Đối với các phượt thủ, sự thử thách lớn nhất chính là khoảnh khắc trải nghiệm từ chân lên đỉnh ngọn Fansipan.
Đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương. (Ảnh: sapalaocai) |
Hàng năm, có hàng trăm người đã vượt qua núi cao, suối sâu, vực hiểm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của rừng quốc gia Hoàng Liên, chinh phục những đỉnh núi ngập trong mây và uống dòng nước suối nguồn.
Đi theo người dẫn đường địa phương, bước chân xuyên rừng bám theo những dốc đá, thi thoảng thấy thấp thoáng sắc hoa đỗ quyên hay tận hưởng những bữa ăn “dã chiến” ở lán…, sẽ là kỷ niệm khó quên cho bất kỳ du khách nào đến với Fansipan.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp