Lợn quay, vịt quay, xôi tím, bánh coóng phù… là những món ăn độc đáo và lạ miệng để bạn khám phá trên hành trình du lịch đến Lạng Sơn mùa lạnh.
Mùa đông lên xứ Lạng, ngoài việc được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp trữ tình của làng quê thanh bình, ngắm nhìn băng tuyết kỳ thú ở Mẫu Sơn, bạn còn được thưởng thức những món ăn đậm chất núi rừng, tiêu biểu cho mùa đông xứ lạnh.
Lợn quay
Người ta chọn con lợn sữa còn non, lớn vừa, sao cho không quá to vì sẽ nhiều mỡ, nhưng không quá bé vì thịt sẽ nhão để quay. Sau khi cạo lông, làm sạch xong, đầu bếp nhồi vào bụng lợn lá mắc mật bánh tẻ, một thứ lá rừng có mùi thơm rất riêng và quay trên bếp than hoa đỏ lửa. Trong khi quay, để thịt chín vàng đều, người làm sẽ quét dầu và mật ong rừng pha giấm lên mình lợn. Khi lợn chín tới, người ta dùng vải thấm nước lã lau qua mình con lợn một lượt rồi quạt lửa thật mạnh để cho bì lợn phồng lên. Món ăn có mặt ở khắp các chợ Lạng Sơn, là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày và không thể thiếu trong những dịp thiết đãi khách quý, cỗ bàn.
Trong bữa cơm ngày đông, thưởng thức miếng thịt lợn quay còn nóng hổi để cảm nhận vị ngọt mềm rất đậm đà của thịt chín tới, vị thơm của lá mắc mật, bì giòn ngậy với màu vàng ươm hấp dẫn là trải nghiệm khó quên với thực khách. Ảnh: Lê Thương. |
Vịt quay
Vịt quay xứ Lạng ngon nhất phải kể đến giống vịt bầu Thất Khê, to béo, nhiều nạc và dày mình. Sau khi được làm sạch, người ta tẩm ướp hương liệu, hành, hạt tiêu... và không thể thiếu quả móc mật nhét vào bên trong bụng, khâu lại. Da vịt được tẩm mật ong, ướp cho ngấm sau đó quay trên bếp than hoa chừng 15 phút. Khâu nướng vịt đòi hỏi người làm phải chú ý để da vịt không bị bắt lửa, quay càng lâu thịt càng thơm, khi quay xong lại tiếp tục nhúng vào chảo mỡ nóng già, đảo đi đảo lại khoảng 15 phút nữa mới cho ra để nguội.
Miếng thịt vịt muốn ngon phải thấm màu mật ong, ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt. Ảnh: Lê Thương. |
Xôi tím
Để làm ra món xôi tím ngắt trông rất đẹp mắt này cần chuẩn bị khá công phu. Nguyên liệu được chọn kỹ càng để cho ra món xôi mang hương vị không thể lẫn. Gạo nếp nương loại ngon được ngâm kỹ cùng với lá cẩm để nhuộm màu. Xôi sau khi đồ rất mềm, dẻo, thơm và bắt mắt. Món ăn được xem là món truyền thống, mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn nên thường xuất hiện trong các ngày lễ quan trọng như cưới hỏi, lễ tết...
Món xôi ăn nóng, rất chắc bụng, được người dân Lạng Sơn rất ưa chuộng, đặc biệt trong những ngày đông tháng giá. Ảnh: Lê Thương. |
Phở chua
Phở chua là món ăn hợp với cả tiết đông lẫn hè. Món ăn bao gồm bánh phở, khoai lang thái chỉ chiên giòn, xúng xàng, gan lợn, thịt gà xé, hành phi, lạc rang, dưa chuột, lạp sườn... được bày từng lớp trông rất đẹp mắt trên đĩa. Phần nước dùng đóng vai trò quan trọng, quyết định nhiều đến sự thành công của món ăn. Khi ăn, người ta trộn đều các nguyên liệu cho thấm đều, để khi ăn mọi thành phần quyện hòa với nhau, vừa bùi, vừa ngọt, lại chua dìu dịu rất thú vị.
Món ăn thường dùng làm món khai vị trong tiệc mặn, cũng là món quà vặt phổ biến, được bán nhiều ở thành phố Lạng Sơn với giá chỉ từ 25.000 - 30.000 đồng. Ảnh: Lê Thương. |
Bánh Coóng phù
Người Tày ở Lạng Sơn thường làm món bánh này khi thời tiết bắt đầu trở lạnh. Coóng Phù của người Tày chỉ nhỏ vừa miệng ăn, nhân làm từ đậu xanh đồ chín, nghiền nhuyễn với đường, không phải loại nhân chỉ có một viên đường đỏ như bánh trôi dưới xuôi. Bột bánh được làm từ bột nếp, người ta trộn một phần bột nếp với gấc chín để tạo ra màu bánh đỏ cam trông rất đẹp mắt. Nước chan Coóng Phù là nước đường hoa mai, thêm ít dầu vừng và củ gừng đập dập cho ấm bụng. Miếng bánh mềm, tan trong miệng, cùng vị lạc bùi bùi, dừa tươi thơm và nước đường cay vị gừng làm xua đi cái lạnh của mùa đông ở vùng cao.
Một bát thường có 10 - 12 viên bánh nhỏ, giá 10.000 đồng. Ảnh: Lê Thương. |
Lê Thương