52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã chính thức đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Theo Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.
Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như Công ty Hàng không vũ trụ Boeing, Tập đoàn Công nghiệp quân sự Lockheed Martin, Tập đoàn Công nghệ SpaceX hay những cái tên quen thuộc như Apple, Coca-Cola, Ford, Netflix...
Bất chấp những trở ngại và thách thức được dự báo, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Trước đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm Mỹ nhân dịp Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN tháng 5/2022, các thành viên của USABC cũng nhấn mạnh việc xem Việt Nam là thị trường chiến lược trong khu vực và cam kết đầu tư, hợp tác lâu dài.
Liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy làn sóng đầu tư đang tiến vào Việt Nam? Việt Nam có những lợi thế gì hấp dẫn nhóm doanh nghiệp Mỹ và chuyến thăm liệu có mang đến những cơ hội hợp tác lớn cho 2 nước?
Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, có những chia sẻ với Dân trí xung quanh sự kiện này.
Việt Nam ngày càng là điểm đến hấp dẫn
Các nhà quản lý cấp cao từ 52 công ty Mỹ đã có cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam để thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách, các cơ hội bán hàng, việc cung ứng và đầu tư. Ông nhìn nhận ra sao về động thái này?
- Vượt qua 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế giữ được mức độ tăng trưởng, đồng thời thể hiện sức kháng cự tốt trước các diễn biến khủng hoảng từ thế giới.
Cụ thể, trong bối cảnh thế giới lo ngại suy thoái, việc Việt Nam duy trì tăng trưởng trong năm 2022 là 8% và dự báo năm nay là 6%, trong khi các quốc gia tăng thấp hơn, trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng toàn cầu, là mối quan tâm cho nhiều doanh nghiệp Mỹ. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Việt Nam duy trì tăng trưởng trong năm 2022 là 8% (Ảnh minh họa: Hoàng Giám).
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng tập trung phát triển vào các điểm đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ, cụ thể là định hướng tập trung chuyển đổi số, khuyến khích phát triển kinh tế xanh... Việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng xe điện cũng giúp Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài do tiêu chuẩn ESG - bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp - của Mỹ rất cao.
Một điểm khác có thể thấy là tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang ngày một tăng, làm thị trường tiêu dùng Việt Nam hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư Mỹ. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng vài năm trở lại đây đã có thay đổi.
Năm 2022 vừa rồi, các nhà đầu tư từ Tây Ban Nha đã tham gia nhiều hơn vào đầu tư năng lượng tại Việt Nam, các nhà đầu tư từ châu Âu như Lego đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam với mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Điều này mở đầu xu hướng cho các nhà đầu tư từ châu Âu và hiện tại là Mỹ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, trong đó có các công ty như Microsoft, Amazon… Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã lập bộ phận R&D (research and development - nghiên cứu và phát triển) tại Việt Nam.
Tôi tin rằng động thái này sẽ góp phần mở ra một chương mới cho kinh tế Việt Nam.
(Đồ họa: Khương Hiền).
Theo ông, những ngành nào được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhất trong lần đến này?
- Tôi cho rằng các ngành liên quan đến phát triển xanh, đầu tư năng lượng sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Mỹ. Các ngành liên quan đến sản xuất chip, công nghệ... sẽ nhận được quan tâm. Ngoài ra, Việt Nam vẫn hấp dẫn với tư cách là thị trường tiêu dùng lớn nên có thể các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đồ chơi cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Tôi được biết ngành y tế và giáo dục là ngành hấp dẫn. Bên cạnh đó, lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh đang chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả 2 bên.
Năm ngoái, thương mại 2 nước đạt hơn 120 tỷ USD. Thực tế, tăng trưởng thương mại của 2 nước từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao đã tăng 360 lần. Ông đánh giá ra sao về triển vọng tăng trưởng thương mại 2 nước trong thời gian tới?
- Năm nay được kỳ vọng là năm thứ 3 liên tiếp thương mại song phương 2 nước đạt trên 100 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận Mỹ đang gặp khó khăn trong vấn đề lạm phát tăng cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Điều này ảnh hưởng tới các đơn hàng từ Mỹ.
Năm nay, thương mại 2 nước sẽ tiếp tục tăng song việc có tăng với tốc độ cao như trước đây hay không còn phải cân nhắc thêm nhiều yếu tố vĩ mô. Riêng về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, ít nhất trong 2 năm tới tôi tin sẽ tăng hơn so với trước.
Phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay đến Việt Nam là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế (Ảnh minh họa: Hoàng Giám).
Trường hợp chuyến thăm thành công, nhiều hợp tác được ký kết, bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian tới sẽ thay đổi ra sao?
- Tôi không thể nói trước bức tranh kinh tế vĩ mô dài hạn, nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam từ năm 2024 trở đi sẽ sáng hơn do kinh tế thế giới nhìn chung vượt qua giai đoạn khủng hoảng và quay trở lại giai đoạn phục hồi.
Việt Nam hưởng lợi từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc với tư cách là công xưởng mới của thế giới cùng Indonesia, Ấn Độ. Việc tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các công ty lớn trên thế giới cũng giúp Việt Nam hưởng lợi và có thể đạt những thành tựu kinh tế lớn hơn trong thời gian trung hạn tới.
Biến mối quan tâm thành hợp đồng đầu tư
52 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư. Theo ông, điều kiện cần để chúng ta thực sự thu hút nhóm doanh nghiệp này là gì?
- Tôi cho rằng Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đơn cử như việc cần đầu tư sâu hơn vào các cảng biển, cảng hàng không, hệ thống logistics… Tôi cho rằng đây là điều kiện để các nhà đầu tư thực sự đạt được hiệu quả trong việc kinh doanh tại Việt Nam.
Song song đó, chúng ta cũng phải cải thiện được thể chế, khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là việc thông qua Luật Đất đai sắp tới. Đây là yếu tố quan trọng để khơi thông ách tách đang tồn tại trong nền kinh tế.
Ngoài ra, một trong những điểm quan trọng là tận dụng được những cơ hội từ việc áp thuế suất tối thiểu toàn cầu mang lại. Nếu sớm thông qua quy định liên quan đến việc bỏ ưu đãi và áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu (sẽ không còn ưu đãi thuế dưới 15%)… Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi từ đây và tiếp tục thu hút được lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thời gian tới.
Doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam đầu tư có thể sẽ không mang theo nguồn nhân lực của họ, chúng ta phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực nếu muốn đón được dòng vốn FDI chất lượng cao từ các "đại bàng".
Việt Nam cũng đã có sẵn lợi thế là đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP... Các khối này sẽ tạo vị thế cho kinh tế Việt Nam "cất cánh" trong thời gian tới. Đặc biệt, các hiệp định giữa Việt Nam với các nền kinh tế phát triển và sắp tới là nhiều hiệp định thương mại và đầu tư với châu Âu được thông qua sẽ tạo đà cho bước tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Ông vừa đề cập đến câu chuyện thuế suất tối thiểu toàn cầu. Chính sách thuế này đang được đánh giá có tác động tích cực là tăng thu thuế cho quốc gia song lại ảnh hưởng tới tính hấp dẫn của thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nhìn nhận ra sao về ý kiến này?
- Tôi cho rằng ý kiến này hơi phiến diện. Quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu hiện là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Khi các doanh nghiệp đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.
Làm việc nhiều với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi biết họ không chỉ chú ý đến ưu đãi về thuế mà họ nhìn đến gói hỗ trợ tổng thể của nước sở tại.
Chính phủ có thể tạo những cơ chế hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài, không thông qua công cụ thuế mà thông qua những công cụ mang tính tổng thể, ví dụ như các ưu đãi về đất đai, cơ chế về người lao động, nguồn nhân lực, đào tạo… Những ưu đãi khác (không phải thuế) thậm chí sẽ tạo động lực hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Tôi tin Chính phủ sẽ lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp Mỹ và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép.
Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để đón các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh minh họa: Hoàng Giám).
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó, có ý kiến cho rằng việc các doanh nghiệp Mỹ có thể đầu tư vào nước ta thời gian tới sẽ hút về lượng lớn nhân lực do chế độ tốt hơn. Điều này ảnh hưởng đến lực lượng lao động cho doanh nghiệp trong nước. Góc nhìn của ông?
- Tôi không đồng tình. Thị trường lao động là thị trường mở. Chỉ những doanh nghiệp hoạt động tốt mới có khả năng thành công. Những doanh nghiệp không quan tâm đến sức khỏe, điều kiện lao động, tài chính cho công nhân… không thể thu hút lao động dù ở bất kỳ đâu.
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp gần đây chứng tỏ sức mạnh khi tạo dựng thành công môi trường làm việc tốt, đãi ngộ hấp dẫn người lao động từ khắp nơi trên thế giới. Việc các doanh nghiệp nước ngoài mở thêm nhiều nhà máy và thu hút lao động mang lại lợi ích cho công nhân, không phải mối đe dọa với doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, việc các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào dịch vụ cũng như cung cấp sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp nước ngoài. Tôi thấy cơ hội nhiều hơn là thách thức.
Động thái từ 52 doanh nghiệp Mỹ liệu có phải dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch chuyển đầu tư không chỉ vào Việt Nam và Đông Nam Á nói chung?
- Đây là sự quan tâm đặc biệt với thị trường Việt Nam và cả Đông Nam Á. Có thể thấy, không chỉ Việt Nam mà vị thế Đông Nam Á cũng đang được nâng trên thị trường trong bối cảnh thế giới nhiều bất cập. Sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ với Việt Nam là có thật. Vấn đề là làm sao biến sự quan tâm này thành các khoản đầu tư.
Việc các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam bước đầu thể hiện sự quan tâm, còn việc thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào câu trả lời của chúng ta. Mối quan tâm đã có, nhưng câu trả lời không chỉ từ phía Chính phủ mà còn từ các đối tác của họ ở Việt Nam khi những lời mời hợp tác đưa ra có đủ hấp dẫn đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp 2 bên có ý tưởng lớn gặp nhau, cơ hội là rất lớn.
Ít nhiều, tôi tin rằng động thái này là tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam, giúp kinh tế Việt Nam cất cánh trong thời gian tới.