Theo ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, An Giang là tỉnh nông nghiệp và cây lúa là chủ lực, mang trọng trách về an ninh lương thực, cần sự liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang vừa tổ chức cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để lắng nghe “tâm tư, nguyện vọng” cũng như các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới và bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông 2020.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, An Giang là tỉnh nông nghiệp và cây lúa là chủ lực, mang trọng trách về an ninh lương thực, trách nhiệm về đời sống của bà con, cần sự liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Nội dung làm việc là tỉnh muốn lắng nghe và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong những ngày qua doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn liên quan đến các vấn đề xuất khẩu gạo.
So với các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng hạn mặn, may mắn cho An Giang không bị ảnh hưởng, lợi dụng thời cơ này tỉnh tập trung chỉ đạo xuống giống Hè Thu và Thu Đông 2020, khuyến khích doanh nghiệp liên kết mạnh mẽ và hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân.
“Do ảnh hưởng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu lương thực cả trong nước và thế giới đang tăng cao, giá gạo xuất khẩu đang ở mức tốt nhất sau nhiều năm. Đây chính là cơ hội để tỉnh nông nghiệp như An Giang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo”, ông Nưng nói.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, vụ Đông Xuân 2019-2020 cả tỉnh xuống giống khoảng 230.000 hecta, trong đó có 25.000 hecta, sản xuất theo mô hình liên kết cánh đồng lớn, vụ Hè Thu này, An Giang đã xuống giống được 50%/ tổng diện tích 230.000 hecta và tỉnh tiếp củng cố liên kết 3 nhà để thúc đẩy sản xuất lúa, tăng thu nhập cho nông dân.
Hiện tỉnh có hơn 30 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Những thay đổi chính sách hoặc thị trường mà tác động lên lúa gạo, ngay lập tức đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là bà con nông dân, sau đó đến doanh nghiệp.
“Khi lúa chín, bà con bán lúa ngay tại cánh đồng nếu không có người mua kịp và mua với giá cả hợp lý thì nông dân sẽ khó khăn, sẽ không có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và đầu tư cho các vụ lúa sau…”, ông Lâm nói.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo, tại buổi họp các ý kiến của doanh nghiệp vẫn xoay quanh mấy kiến nghị, như:
Đề nghị Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo về tỉnh để phân bổ, không tập trung như hiện nay, và trước mắt cho xuất khẩu hết số lượng gạo hiện đang ở cảng trong thời gian tạm dừng xuất khẩu.
Sau khi đã mua đủ gạo dữ trữ nhà nước và xuất đủ 400.000 tấn gạo của tháng 4, đề nghị Thủ tướng xem xét cho tiếp tục xuất khẩu hết lượng lúa gạo đang còn trong dân. Kèm theo đó là các vấn đề liên quan đến cách làm việc của Hải quan, cần minh bạch, tạo thuận lợi để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong những giai đoạn khủng hoảng thế này.
Còn về đề tiêu thị nội địa, theo ý kiến của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: “Đối với tiêu thụ nội địa,phải có doanh nghiệp đứng ra thu mua, như vậy mới giải quyết hết lúa hàng hóa trong dân. Muốn cân đối lương thực, Chính phủ cần phân công cho Vinafood 1 hay Vinafood 2 đứng ra mua lúa, chứ chỉ bằng chính sách thôi thì chẳng có doanh nghiệp nào chịu đứng mua lúa cho bà con”.
Những lo lắng liên quan đến giá lúa sụt giảm, tình hình chưa ổn định việc xuất khẩu gạo trong những ngày qua đúng là có yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến thị trường và người nông dân khi mà thời điểm vụ Hè Thu cận kề.
“Giá lúa trên thị trường đang rất bấp bênh nên tôi cảm thấy hoang mang khi chuẩn bị xuống giống lúa Hè Thu, vì chi phí đầu tư vụ lúa Hè Thu luôn cao hơn các vụ lúa khác trong năm mà năng suất lại không cao. Nếu trồng lúa Hè Thu, bán ra lại không được giá thì sẽ rất khó khăn cho nông dân chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân ở thị xã Tân Châu cũng đã chia sẻ.
Trước nỗi lo giá lúa sụt giảm của nông dân, ông Nưng cho rằng, những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, thị trường xuất khẩu sẽ sớm được khơi thông và trở lại bình thường, 13 tỉnh ĐBSCL trong đó có An Giang đã gửi báo cáo và kiến nghị lên Thủ tướng.
Đây là thời điểm cây lúa đang có cơ hội lớn thể hiện vai trò của nó, tỉnh động viên bà con an tâm sản xuất, “Chủ trương xuyên suốt của Chính phủ là phải tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong dân và bảo đảm người nông dân có lãi 30%", ông Nưng nhấn mạnh.