Bắc Kạn là tỉnh miền núi, nội địa, nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, giáp với 4 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tỉnh được tái lập ngày 01 tháng 01 năm 1997, hiện có 8 đơn vị hành chính (7 huyện, 1 thị xã) với 122 xã, phường, thị trấn. Diện tích đất tự nhiên 4.859 km², dân số 300.000 người, gồm 7 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay) sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%.
Thị xã Bắc Kạn (ảnh tư liệu) |
I. Miền đất giàu tiềm năng phát triển
Bắc Kạn được tự nhiên ưu đãi cho nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội với nguồn tài nguyên rừng, đất rừng, khoáng sản phong phú và vườn Quốc gia Ba Bể, nơi có hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt lớn trên thế giới…
Tiềm năng phát triển công nghiệp
Tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác nông lâm sản dựa trên lợi thế về rừng. Khu công nghiệp Thanh Bình thuộc địa bàn xã Thanh Bình huyện Chợ Mới, nằm dọc trên trục đường QL3 cách trung tâm Hà Nội 130km là nơi đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là vào lĩnh vực công nghiệp khai thác nông lâm sản. Hiện nay, nhà máy chế biến gỗ Sahabak tại Khu công nghiệp đã cho sản phẩm ổn định, giải quyết việc làm cho gần 500 công nhân với thu nhập bình quân đầu người trên 3 triệu đồng/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khá đã đóng góp lớn cho sự phát triển lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Khu Công nghiệp Thanh Bình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo động lực, môi trường thu hút các dự án đầu tư, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Bắc Kạn còn có tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng. Trên địa bàn tỉnh có 165 mỏ và điểm quặng, các loại khoáng sản có trữ lượng lớn là: Chì kẽm 70 mỏ và điểm quặng, trữ lượng khoảng 4 triệu tấn; sắt có 13 mỏ và điểm mỏ, trữ lượng khoảng 22 triệu tấn; vàng có 17 mỏ và điểm quặng, trữ lượng khoảng 39 tấn; đá vôi xi măng 150 triệu m³; đá trắng, thạch anh khoảng 460 triệu m³; sét xi măng trên 10 triệu m³, ngoài ra còn có antimon, titan, Kaolin, Silic....
Hiện nay đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến quặng chì kẽm ở quy mô nhỏ, sản phẩm mới chỉ đạt ở mức tinh quặng chì kẽm và chưa luyện được thành kẽm thỏi có hàm lượng cao.
Với trữ lượng khoáng sản lớn, Bắc Kạn có triển vọng đầu tư chế biến sâu ở quy mô vừa và nhỏ để nâng giá trị các loại khoáng sản lên cao hơn và tốt hơn phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước và tiến đến xuất khẩu. Đặc biệt là ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: Xi măng, đá ốp lát, bột đá công nghiệp, rất có triển vọng ở Bắc Kạn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn có nhiều hệ suối là đầu nguồn sông Đáy, sông Gâm, sông Chu… lưu vực nhỏ, độ dốc dòng chảy lớn, lòng hẹp và có nhiều thác ghềnh thuận tiện cho việc đầu tư các công trình thuỷ điện nhỏ.
Tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp
Nguồn tài nguyên đất đai phong phú là cơ sở quan trọng để Bắc Kạn phát triển nông - lâm nghiệp.
Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3% diện tích). Tài nguyên rừng của tỉnh khá đa dạng, phong phú. Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc.
Về động vật, hiện nay tập trung ở khu vực Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, Cao Sơn thuộc huyện Bạch Thông, Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn và hồ Ba Bể. Hệ động vật của tỉnh Bắc Kạn có giá trị tự bảo tồn nguồn gen cao với nhiều loại đặc hữu và quý hiếm.
Về thực vật, qua điều tra cho thấy tỉnh Bắc Kạn có 280 loài thực vật, trong đó có 300 loài gỗ, 300 loài cây thuốc, 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn có khí hậu thuận lợi để phát triển một tập đoàn cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc. Đây là lợi thế để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các sản phẩm tập trung phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Tiềm năng phát triển du lịch
Tỉnh Bắc Kạn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh, là điều kiện phát triển du lịch.
Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích rộng 500ha, nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống, trong hồ có 49 loài cá nước ngọt. Hồ Ba Bể đã được công nhận là di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt. Năm 2003, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là vườn di sản ASEAN, năm 2011 được công nhận là khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam. Hiện nay đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đến với Bắc Kạn, du khách sẽ được thăm các căn cứ địa cách mạng, nổi bật nhất là ATK Chợ Đồn - đây là một trong những khu căn cứ mà Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ đã sống, hoạt động, lãnh đạo dân tộc ta trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện nay, ATK Chợ Đồn đang được phục dựng theo quy hoạch tổng thể “Chiến khu Việt Bắc” của Chính phủ.
Bắc Kạn là xứ sở của các dạng địa hình Caxtơ điển hình, tiêu biểu là các hang động kỳ vĩ như: Động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long… Diện tích hang động có nơi rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông, với các nhũ đá, cột đá hình thù sinh động, độc đáo.
Đến Bắc Kạn, du khách còn được tham quan các điểm du lịch khác như: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Đền Thắm, chùa Thạch Long, du ngoạn trên sông Cầu, sông Năng… Đặc biệt, du khách còn được đến thăm các bản làng dân tộc với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, được thưởng thức hương vị ngọt ngào của hồng không hạt, lê, cam quýt....với hương vị đặc biệt của núi rừng Việt Bắc.
Nguồn lực con người
Nguồn nhân lực của tỉnh Bắc Kạn khá đông, có thể cung ứng đủ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại tỉnh Bắc Kạn với giá thuê nhân công rẻ hơn các nơi khác. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh cần tiếp tục được đào tạo để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu cung cấp lao động lành nghề và lao động có trình độ kỹ thuật cao.
Một số lợi thế khác
1. Về giao thông và kết cấu hạ tầng: Bắc Kạn là tỉnh nằm sâu trong lục địa, song có Quốc lộ 3 nối từ Hà Nội đến cửa khẩu Tà Lùng tỉnh Cao Bằng hiện đã được cải tạo nâng cấp, khá thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá. Khoảng cách từ tỉnh Bắc Kạn đến cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn khoảng 200km, đường bộ từ thị xã Bắc Kạn đến Sân bay Nội Bài 150km và Cảng Hải Phòng chỉ trên 200km. Như vậy có thể thấy việc giao lưu thông thương hàng hoá từ Bắc Kạn đến các cửa khẩu của Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội là khá thuận tiện.
Mạng lưới đường bộ của tỉnh được xây dựng phù hợp với sự phát triển hệ thống đường bộ của cả nước và của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư, nâng cấp theo đúng tiêu chuẩn các tuyến đường giao thông đến khu du lịch, các khu trung tâm của tỉnh.
Đến nay, cả tỉnh có 126km đường quốc lộ, 84km đường tỉnh lộ được bê tông nhựa; 16,9km đường huyện được bê tông xi măng; 447,5km đường từ trung tâm huyện đến xã đạt GTNT loại A. Toàn tỉnh có 84,2% thôn có đường giao thông nông thôn đến trung tâm thôn; 108 xã, phường, thị trấn có đường giao thông ô tô đi đến trung tâm trong 4 mùa.
Hệ thống điện lưới quốc gia và hệ thống thông tin liên lạc đã được đầu tư đến tất cả các xã; các trung tâm thị trấn, thị xã đã phủ sóng điện thoại di động.
2. Về khí hậu thủy văn: Khí hậu của Bắc Kạn có nhiều nét đặc trưng:
Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 - 22 độ C, trung bình cao nhất từ 25 -28 độ C, trung bình thấp nhất từ 10 - 11 độ C. Với chế độ nhiệt như vậy, đã hình thành trên địa bàn tỉnh nhiều tiểu vùng khí hậu đất đai khác nhau, thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, tạo thế mạnh cho từng khu vực, với các loại sản phẩm đặc trưng của vùng nhiệt đới và á nhiệt đới.
Bắc Kạn nằm sâu trong nội địa lại có núi sâu che chắn nên ít bị ảnh hưởng của bão. Bão đến Bắc Kạn thường ít gây tác hại, chỉ có nước lớn và lũ trên các sông suối…
3. Hạ tầng cung cấp điện, công nghiệp
Hàng năm, hệ thống cung cấp điện của tỉnh luôn được nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
Tổng chiều dài đường dây cao áp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 1.502,38km, trong đó: Đường dây 220KV dài 73km, đường dây 100KV dài 137,8km. Đến nay, cả tỉnh có tổng số 781 trạm biến áp; tổng chiều dài đường dây 35kV là 1.363,85km; tổng chiều dài đường dây 04kV là 1.570,89km
Cả tỉnh đã có 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động, hoà lưới điện quốc gia: Thuỷ điện Tà Làng công suất 4,5Mw, Thuỷ điện Thượng Ân công suất 2,4Mw, thuỷ điện Nặm Cắt 1 công suất 3,2Mw.
4. Hạ tầng công nghệ thông tin
Tỉnh đã từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin theo hướng công nghệ hiện đại, tiên tiến, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được đầu tư và lắp đặt điểm cuối tại các sở, ban, ngành và 8 huyện, thị xã.
Toàn tỉnh có 6% số hộ kết nối mạng Internet; 100% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã triển khai cung cấp dịch vụ chất lượng cao bằng công nghệ hiện đại; 3/5 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ 3G tạo điều kiện cho việc triển khai kết nối Internet và truyền tải số liệu, ứng dụng công nghệ thông tin.
Các cơ quan chính quyền đã sử dụng hạ tầng CNTT được đầu tư. Việc triển khai mô hình Chính quyền điện tử tại UBND cấp huyện bước đầu đem lại hiệu quả:
- Đến nay, 24/28 cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc tỉnh có trang/cổng thông tin điện tử, đạt 85,7%.
- Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ được triển khai ở 28 đơn vị cấp sở, huyện để quản lý văn bản đi đến, chuyển nhận văn bản trên môi trường mạng
- Hệ thống thư điện tử của tỉnh đưa vào sử dụng tại địa chỉ http://mail.backan.gov.vn đến nay đã cấp cho 100% cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Hạ tầng CNTT tại các cơ quan nhà nước cũng được nâng cấp và bổ sung đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn và đảm bảo cho 80% cán bộ, công chức của cơ quan QLNN từ cấp huyện trở lên trên địa bàn tỉnh có điều kiện sử dụng thư điện tử và khai thác thông tin trên mạng Internet phục vụ cho công việc. Hiện nay 100% các sở, ban, ngành và các huyện thị trong tỉnh đã có mạng LAN, tỷ lệ kết nối Internet đạt trên 95%; 100% xã, phường được đầu tư máy tính hỗ trợ làm việc và 65,6% xã, phường có kết nối Internet. Đến nay 100% cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và 60% cán bộ, công chức cấp xã được phổ cập tin học cơ bản.
5. Hạ tầng thủy lợi
Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn thuộc vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang, sông Cầu. Dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện có; xây dựng và củng cố hệ thống kè bờ sông, hệ thống hồ chứa. Đến nay, toàn tỉnh có 955 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 35 công trình hồ chứa và 742 đập dâng; 144 hệ thống kênh mương, 10 xi phông; 24 trạm bơm điện phục vụ cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Các công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường và an toàn cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung, lồng ghép các chương trình như chương trình 135, chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, chương trình 30a,… nhằm đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
6. Hạ tầng đô thị
Hạ tầng đô thị của tỉnh từng bước được đầu tư. Năm 2012, thị xã Bắc Kạn được công nhận là đô thị loại III. Hiện nay, tỉnh đang tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa thị xã trở thành Thành phố Bắc Kạn vào năm 2015. Xã Vân Tùng chuẩn bị được công nhận là thị trấn Vân Tùng, là trung tâm kinh tế chính trị của huyện Ngân Sơn.
Với những tiềm năng, lợi thế như trên, tỉnh Bắc Kạn rất mong sẽ sớm được đón tiếp các nhà đầu tư vào tỉnh, góp phần xây dựng quê hương Bắc Kạn giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững.
(Nguồn: www.backan.gov.vn)