Ngay cả khi các công ty lữ hành trong nước vẫn chưa biết đến Pú Đao, thì khách du lịch quốc tế đã coi đây như điểm trekking lý tưởng.
Pú Đao là một xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ, Lai Châu, cách thị trấn Mường Lay 13 km và Hà Nội hơn 560 km về phía Tây Bắc. Dù dân cư chưa đến nghìn người với địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Pú Đao giống như “thỏi nam châm” hút bất cứ ai đam mê khám phá những vùng đất mới. Đó là lý do mà hãng du lịch Gecko Travel của Anh năm 2006 bầu chọn Pú Đao là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Đường lên Pú Đao. Ảnh: Vung Cao.
Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”, nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để đến được Pú Đao, du khách phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào làn sương mờ ảo.
Từ cầu Lai Hà đến Pú Đao còn khoảng 24 km đường mòn xoắn ốc với những khúc cua nghẹt thở, xuyên giữa khu rừng đầy những chồi tre và bụi rậm đan xen dày đặc. Nhưng khi qua cầu khoảng 5km, bạn sẽ bắt gặp dinh thự vua Thái Đèo Văn Long. Là một phế tích lịch sử của một dinh thự lớn lộng lẫy xa xưa, nhưng khi dừng chân ghé lại ngôi nhà của dòng họ Đèo quý tộc đất Lai Châu này, bạn sẽ hiểu thêm về nét kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hoá Thái.
Cầu Lai Hà bắc qua phụ lưu sông Đà dẫn đến Pú Đao. Ảnh: skydoor.
Khi lên đến “điểm cao nhất” ở Lai Châu cũng là lúc bạn đến với điểm ngắm sông Đà đẹp nhất. Từ đây, bạn còn nhìn thấy những thung lũng ngoạn mục phía dưới, là nơi giao cắt giữa sông Đà và sông Nậm Na với bãi bồi xanh ngát. Sau những phút giây nhìn lại chặng đường đã đi, tuyệt cảnh Pú Đao hiện ra trước mắt với những bản làng nằm cheo leo trên đỉnh núi, xuyên giữa là những con đường quanh co, uốn khúc, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Xã Pú Đao gồm 4 bản người Mông là Hồng Ngài, Nậm Đoong, Nậm Đắc và Hồng Tý. Bạn có thể sẽ nhầm tên bản Hồng Ngài, trung tâm xã Pú Đao với xã Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La hoặc bản cùng tên ở Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Không chỉ có sân bay dã chiến do người Pháp xây dựng mà Hồng Ngài, Pú Đao ngày nay còn những con đường bê tông kiên cố, sạch sẽ giúp ôtô, xe máy đi lại dễ dàng hơn.
Khác với Hồng Ngài, chỉ có xe máy mới vào được Nậm Đoong, những trai bản người Mông cứ phóng ào ào trên con đường mòn lượn quanh vách núi. Nằm trên điểm cao nhất và đẹp nhất Pú Đao, Nậm Đoong là điểm trekking lý tưởng khi con đường vào bản đi qua những thung lũng chân mây, xung quanh bạt ngàn hoa dại và nương rãy xanh tươi. Trong bản, những mái nhà quần tụ dưới tán lá rừng thay áo theo mùa.
Bản ở Pú Đao. Ảnh: Vung Cao.
Nậm Đoong đón khách bằng những nụ cười hồn nhiên trẻ nhỏ và ánh mắt ngây thơ, cùng với đó là những chiếc váy xòe của thiếu nữ Mông dập dìu trong nắng sớm. Trong làn sương mờ sánh bước cùng mây trắng lang thang, khoảng cách giữa trời và đất như xích lại gần hơn, khiến du khách ngẩn ngơ như chốn thiên đường hoang dại.
Từ Nậm Đoong đến Nậm Đắc, Hồng Tý phải đi thêm vài km nữa. Dù đi theo đường nào, du khách cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ cùng cảm giác mạo hiểm khi uốn lượn theo cung đường lên xuống dốc, ngoắt ngoéo đến mê hồn ở Pú Đao. Hãy dành ít nhất một đêm ở bản người Mông đẹp nhất Đông Nam Á. Bởi chỉ khi ngồi bên bếp than hồng, đón cơn gió lạnh của núi rừng Tây Bắc, trong tay bắp ngô lùi và trò chuyện rôm rả đến tận đêm khuya, bạn mới hiểu vì sao nơi đây lại hút khách du lịch nước ngoài đến thế.
Theo Vy An - VnExpress