Những năm qua, tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Hà Giang có nhiều khởi sắc. Tính riêng KCN Bình Vàng, đến tháng 10/2017 đã có 18/18 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT)với tổng mức vốn đầu tư là 5.448 tỷ đồng, 9 dự án đã đi vào hoạt động và 5 dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Sức hấp dẫn của các KCN, KKT ở Hà Giang ngày càng tăng phần lớn nhờ vào các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp từ giai đoạn ban đầu tới quá trình xây dựng và hoạt động sản xuất.
Theo ông Đỗ Viết Hợp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý KKT Hà Giang, với các khung pháp lý chung, sự khác biệt về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh nhất định cho các địa phương nói chung và các KCN, KKT nói riêng. Khi các yếu tố này ngày càng trở nên giống nhau giữa các địa phương, điều tạo ra sự khác biệt chính là sự đồng hành với các chủ đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Trong đó, cải cách TTHC được xem là khâu đột phá.
Theo đó, Ban Quản lý KKT Hà Giang đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về trình tự thủ tục đầu tư theo mô hình một đầu mối, một cửa và một cửa liên thông. Nhờ vậy, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư đã giảm hơn một nửa so với quy định của Luật. Các trường hợp cần lấy ý kiến tham gia của các sở ngành liên quan, hoặc điều chỉnh GCNĐKĐT dự án cũng đều được cắt giảm thời gian từ 15 ngày xuống còn một nửa. Ban thực hiện công khai, minh bạch các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh, cụ thể hóa các quy định của Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành.
BQL KKT Hà Giang đã bám sát Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ và chương trình hành động của UBND tỉnh Hà Giang tích cực triển khai các hoạt động bám sát tình hình doanh nghiệp. Hằng năm, Ban Quản lý KKT tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại giữa Ban với các doanh nghiệp nhằm kịp thời ghi nhận những khó khăn để điều chỉnh những nội dung trong phạm vi thẩm quyền hoặc kiến nghị UBND tỉnh để tháo gỡ và tạo mọi điều kiện để họ đầu tư yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với Hà Giang.
Chính nhờ giải pháp đồng bộ, niềm tin của các nhà đầu tư nâng lên, điều này được thể hiện qua số dự án đăng ký và đặc biệt vốn thực hiện qua các năm liên tục tăng. Càng về sau, các dự án mới có mức đầu tư dần được nâng lên.
Hiện nay Ban đang kiến nghị với tỉnh và đồng thời huy động các nguồn lực (ngân sách, xã hội hóa) để tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các KCN, KKT với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Nổi bật, Ban đang lập dự án đầu tư nhà điều hành trung tâm liên ngành giúp doanh nghiệp, nhân dân, phương tiện, thông quan, xuất nhập cảnh nhanh gọn theo mô hình một cửa một lần dừng.
Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Giang là đầu mối phối hợp cùng các chính quyền địa phương, các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đời sống sinh hoạt, giáo dục, y tế cho người lao động làm việc trong các KCN, góp phần tạo sự yên tâm cho người lao động trong KCN.
Nhờ vào sự đổi mới tích cực, tình hình đầu tư và hoạt động tại KCN Bình Vàng và KKT cửa khẩu Thanh Thủy có nhiều khởi sắc. Trong đó, chỉ tính riêng cửa khẩu Thanh Thủy đóng góp 2,5 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu và 200 tỷ đồng nộp ngân sách, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp cho người dân địa phương.
Sức phát triển của các KCN, KKT Hà Giang ngày càng lớn, tuy nhiên, để khu vực này đóng góp lớn hơn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông cho khu vực này là rất quan trọng.