Những chiếc bánh làm từ bột gạo dẻo, thơm phảng phất hương vị đậu xanh hay mật mía ngọt đậm là món ăn nhất định bạn phải thử khi đến Vĩnh Phúc.
Có hai loại bánh hấp dẫn ở tỉnh Vĩnh Phúc mà bất cứ vị khách nào tìm đến cũng muốn thử qua:
Bánh ngõa phủ đậu xanh
Người dân làng Lũng Ngoại (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có truyền thống lâu đời làm bánh ngõa với nguyên liệu chủ yếu là bột gạo nếp, mật mía và đỗ xanh.
Thường gạo nếp phải chọn loại ngon, đãi sạch rồi nghiền thành bột gạo mịn. Đỗ xanh vỡ đôi hạt, cho vào nước ngâm qua đêm rồi đãi sạch vỏ, một nửa nấu cùng với mật mía để thành chè kho. Phần còn lại sẽ cho vào chảo rang cho đến khi chuyển sang màu vàng, giòn và thơm rồi đem nghiền thành bột.
Bột gạo nếp được nhào nhuyễn rồi nặn thành hình tròn mỏng, nhân bên trong gồm chè kho. Thả bánh vào nồi nước đun thật sôi cho đến khi bánh nổi lên. Vớt bánh ra để ráo nước rồi rắc bột lên hai mặt, tạo nên một chiếc bánh rất hấp dẫn và dậy mùi thơm.
Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị ngọt thơm của bột gạo, vị ngọt ngào của đỗ xanh và mật mía hòa quyện, càng ăn càng thấy hấp dẫn.
Bánh trùng mật mía
Bánh trùng với nước mật mía sóng sánh, vàng óng rất hấp dẫn thực khách. Ảnh: ngoisao.
Bánh trùng từ lâu đã nổi tiếng ở Vĩnh Phúc với vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm cay nhẹ của gừng quyện lẫn lớp bột trắng dẻo thơm, chút ngậy ngậy của vừng.
Khi làm bánh phải chọn loại gạo nếp ngon, không được lẫn tạp, đem ngâm nước qua đêm rồi nghiền bột. Bột phải ngâm đủ độ để không dẻo, cũng không khô quá, khi ăn bánh sẽ dẻo, dai và mịn.
Nắm bột thành những nắm nhỏ hình quả trám, đun sôi trong mật mía được pha chút nước để không bị cháy hay sánh quá. Đun sôi đến khi bánh trong là được. Bánh sẽ có hương vị thơm ngon nếu bạn đập thêm một chút gừng tươi cho vào trong nồi bánh.
Bánh được vớt ra có màu đỏ của cánh gián, rắc thêm chút vừng rang cho bắt mắt. Xoắn từng miếng nhỏ, thưởng thức vị ngọt thơm của mật mía lan tỏa trong miệng. Bánh có thể để được cả tuần mà không bị hỏng, khi ăn chỉ cần hấp nóng lại.
Theo Anh Phương - VnExpress