Những ngày nghỉ lễ vừa qua tiếp tục là chuỗi ngày căng thẳng với những người làm du lịch. “Điệp khúc” hủy, hoãn dịch vụ lại vang lên vì dịch bùng phát, nhưng ở lần này, du khách đã phản ứng khác. Thị trường dần thay đổi sau những lần bùng dịch.
Cáp treo núi Bà Đen. Ảnh: Đào Loan
“Chưa khi nào cảm thấy như đang chơi trò xây lâu đài cát như lúc này, cứ vừa xây xong hòm hòm thì sóng lại xóa”, nhân viên một công ty du lịch lớn tại TPHCM đã viết trên tài khoản cá nhân ở mạng xã hội Facebook vào trưa 30-4.
Tối trước đó, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn ngay sau khi Bộ Y tế công bố chùm ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng sau hơn 30 ngày tạm yên, người đứng đầu công ty này cũng thở dài “lại tiếp một đêm mất ngủ”. Doanh nhân này lo lắng, có thể khách sẽ hủy hàng loạt, loạt xe du lịch chuẩn bị khởi hành vào sáng hôm sau có thể không lên đường được và đặc biệt, mấy hướng dẫn viên du lịch vừa mới vào công ty sau nhiều tháng không có việc làm có thể lại phải trở về tình trạng cũ vì không có khách.
Du khách đã khác trước
Thế nhưng, thực tế diễn ra không đến nỗi quá trầm trọng như lo lắng của nhân viên và người đứng đầu công ty trên. Khách cũng hủy tour, thống kê vào ngày Chủ nhật cho thấy có khoảng 3.000 người hủy chuyến trong mấy ngày lễ nhưng số người quyết định vẫn đi chơi trong lúc số ca nhiễm vẫn tăng lên hàng ngày, vẫn nhiều hơn. Điều này khác hẳn ở những lần bùng dịch trước, cứ có dịch là khách gần như hủy hết dịch vụ đã đặt.
Hình ảnh các bãi biển, điểm du lịch tràn ngập khách được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, khi các ca nhiễm chưa lan quá rộng và nhiều địa phương chưa siết chặt hoạt động vui chơi giải trí cũng đã cho thấy sự thay đổi đó.
“Người dân bình tĩnh hơn, dựa trên thông tin dịch bệnh tại từng thời điểm, ở từng điểm đến để quyết định đi hay không chứ không còn quá lo sợ như khi dịch mới bắt đầu”, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nói.
Theo đó, quyết định du lịch của khách hàng đã thay đổi sau nhiều lần bùng dịch, như ở phân khúc khách hàng là doanh nghiệp, do sợ dịch thay đổi nên nhiều công ty quyết định rất nhanh khi muốn cho nhân viên đi du lịch, chỉ 1-2 tuần thay vì 1-2 tháng như trước đây.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể gọi đây là trạng thái “bình thường mới” của du lịch. Khách hàng có tâm thế sống chung với dịch bệnh cho nên không những sẽ tranh thủ đi chơi trong giai đoạn an toàn mà ngay khi có ca nhiễm, nếu chưa có cảnh báo cụ thể của cơ quan chức năng thì vẫn có thể lên đường. Nhờ đó, việc dịch bùng phát tại một vài điểm đến sẽ không làm toàn thị trường đình trệ như đã từng xảy ra.
Thêm vào đó, sự đông đúc trong những ngày qua cũng cho thấy, nhu cầu du lịch trong người dân tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén vì dịch bệnh. Một số cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy điều này.
Trong đó, khảo sát của Outbox Consulting cho thấy, du khách rất lạc quan, nhiều người đã lên kế hoạch đi du lịch vào đầu hè này, với 50% số người được hỏi cho biết dự định đi du lịch vào tháng này và tháng 6 tới. Khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng có thông tin tương tự, có đến 53,3% số người được hỏi cho biết định đi du lịch từ tháng này đến tháng 9 năm nay.
Bắt nhịp thị trường
Có vẻ như sau nhiều lần bùng dịch, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và liên quan đến du lịch đã nhanh nhạy và hợp tác chặt chẽ hơn để thay đổi dịch vụ cho khách hàng. Điều này đã tạo nên kết quả tích cực, trong mấy ngày qua, than phiền về việc khó thay đổi dịch vụ của khách hàng và những “đấu tố” của các đối tác về việc không hỗ trợ lẫn nhau khi có sự cố giảm hẳn.
“Lần này, sự phối hợp giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ tốt. Nhà cung cấp dịch vụ đã uyển chuyển hơn để thích nghi với thị trường mới”, ông Yên của Saigontourist nói.
Theo đó, với bối cảnh dịch bệnh thất thường như hiện nay, các đối tác cung ứng dịch vụ du lịch và liên quan đến du lịch như lữ hành, hàng không, khách sạn, nhà hàng... càng phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa thì mới có thể ứng phó được với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
“Phải phối hợp cùng nhau thì mới kịp thay đổi dịch vụ cho phù hợp với từng thời điểm dịch bệnh để phục vụ khách hàng”, ông nói.
Doanh nhân này cũng cho rằng, để có thể vẫn ngăn dịch và phát triển du lịch trong điều kiện dịch bệnh thất thường như hiện nay, doanh nghiệp cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan khác. Trong đó, cơ quan y tế cùng chính quyền địa phương nên công bố rõ thông tin về các ca bệnh, khu vực nào hạn chế đến, dịch vụ nào dừng; ngoài những vùng cấm này nên cho phép đi lại tự do và sử dụng dịch vụ.
“Nên cập nhật đầy đủ, chi tiết những thông tin này trên trang thông tin của địa phương cho người dân biết để thực hiện, có như vậy, du khách và các nhà tổ chức du lịch mới yên tâm tính toán các kế hoạch”, ông Yên nói.
Với cơ quan quản lý du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng cần lập nhóm công tác đặc biệt, theo dõi sát tình hình du lịch tại các trọng điểm du lịch để tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra các chỉ đạo điều chỉnh, hướng dẫn việc đưa đón du khách kịp thời trong bối cảnh dịch thất thường như hiện tại.
Cơ quan quản lý cũng nên thực hiện ngay bản đồ du lịch an toàn, qua đó, có thể khuyến nghị doanh nghiệp về việc đưa khách đến những nơi an toàn, tạo thuận lợi cho vận hành du lịch.
Một số doanh nhân cho rằng, sự thay đổi của khách hàng, thị trường trong dịch bệnh tuy đặt ra nhiều thách thức cho công tác điều hành dịch vụ nhưng cũng đem lại cơ hội cho doanh nghiệp.
Trong đó, với các công ty lữ hành, trong các tình huống khó khăn vừa qua, nhờ kinh nghiệm và mạng lưới đối tác, doanh nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng với du khách. Những công ty này không những giúp giải quyết khó khăn khi phải hủy chỗ, chuyển điểm đến hoặc rời khỏi khởi điểm đến khi dịch bùng phát mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, kiến thức cho khách hàng.
Điều này giúp nâng cao vai trò của các công ty lữ hành, những nơi bán tour du lịch truyền thống với du khách, nếu nhân cơ hội này để thay đổi thì sẽ đứng vững trước thách thức mất khách hàng do “sự càn quét” của công nghệ. Trước dịch, đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc công nghệ phát triển quá nhanh, quá hiện đại sẽ khiến nhiều người tự đặt dịch vụ để đi du lịch mà không cần qua lữ hành, đại lý du lịch.
“Trong các tình huống khó khăn vừa qua, có thể xem các đại lý du lịch là những cố vấn du lịch. Du khách cần những cố vấn này, ngay cả giai đoạn hiện nay và sau Covid-19”, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, nói với Kinh tế Sài Gòn gần đây, về những thay đổi của du lịch trong đại dịch.
Theo ông, phát triển theo hướng trở thành là cố vấn du lịch là điều các đại lý du lịch nên làm. Để được như vậy, doanh nghiệp cần đầu tư, trước hết là đầu tư cho nguồn nhân lực.
“Đại lý du lịch không chỉ cần đào tạo những nhân viên bán hàng giỏi mà còn phải đào tạo các cố vấn có thể tư vấn cho khách hàng mọi thứ liên quan đến dịch vụ du lịch và xử lý những tình huống khẩn cấp như đã làm trong thời gian qua”, ông nói.
Chuyên gia này cho rằng, đại lý du lịch cần đáp ứng toàn bộ các nhu cầu từ tìm ý tưởng du lịch, tìm giá máy bay rẻ nhất, cập nhật các tiêu chí an toàn, trợ giúp hoàn - hủy dịch vụ. Thêm vào đó, nếu tìm được sự hợp tác chặt chẽ từ các điểm đến cùng những nhà cung cấp dịch vụ như hàng không, khách sạn... để bảo đảm cung cấp tất cả những thông tin cần thiết nhằm thu hút khách và đối phó với những tình huống gián đoạn có thể xảy ra thì vai trò của đại lý du lịch ngày càng vững chắc trong lòng du khách.