Khoản đầu tư này giúp Bến Thành Jewelry phát triển hệ thống bán lẻ trang sức quý mới mang tên PRECITA.
Bến Thành Jewelry sẽ cho ra mắt hệ thống bán lẻ trang sức mới mang thương hiệu PRECITA
Ngày 5/5, Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital thông báo Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) vừa cam kết đầu tư 7,6 triệu USD vào CTCP Vàng bạc Đá Quý Bến Thành (Bến Thành Jewelry).
Mekong Capital cho biết, đây là khoản đầu tư thứ tư của MEF III. Với khoản đầu tư này, Bến Thành Jewelry sẽ phát triển hệ thống bán lẻ trang sức quý hoàn toàn mới mang tên PRECITA.
Chia sẻ về sự hợp tác này, Bà Shipra Jain, Tổng Giám đốc của Bến Thành Jewelry cho biết, sau giai đoạn phát triển vượt bậc kể từ khi cổ phần hóa năm 2003, Bến Thành Jewelry đã quyết định chọn MEF III làm nhà đầu tư chiến lược bởi giá trị gia tăng mà Quỹ và Mekong Capital sẽ mang đến cho công ty.
“Dựa trên những khoản đầu tư thành công mà Mekong Capital đã thực hiện trong quá khứ, chúng tôi tin rằng mối quan hệ này sẽ mang lại khởi đầu mới cho Bến Thành Jewelry và đưa công ty tiếp tục thành công và tăng trưởng”, bà Shipra Jain nói.
Ông Chris Freund, Tổng Giám Đốc của Mekong Capital khẳng định, với phương pháp gia tăng giá trị cho công ty như một cổ đông dựa trên mô hình “Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng” cùng với mạng lưới rộng lớn các chuyên gia và nguồn lực quốc tế của Mekong Capital, Bến Thành Jewelry sẽ cải thiện hoạt động, xây dựng một đội ngũ quản lý mạnh mẽ hơn cùng các dịch vụ và sản phẩm tiêu chuẩn thế giới.
Được thành lập và hoạt động từ năm 1987, BTJ - thành viên của Bến Thành Group - hiện là một trong những công ty vàng bạc đá quý lâu đời tại Việt Nam, chuyên sản xuất, chế biến, nhập và xuất khẩu đồ trang sức. Năm 2016, BTJ đã mời nhiều chuyên gia nước ngoài có tiếng “đầu quân” tham gia phát triển, mở rộng hệ thống bán lẻ trang sức quý hoàn toàn mới mang thương hiệu PRECITA với thông điệp về khơi dậy và tôn vinh tình yêu.
Ra mắt tháng 5/2015, Quỹ Mekong Enterprise Fund III (“MEF III”) là quỹ đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết, gần đây đã có 112,5 triệu USD vốn cam kết.
MEF III thường tập trung vào các khoản đầu tư từ 6 đến 15 triệu USD cho các khoản đầu tư thiểu số hoặc đầu tư nắm quyền kiểm soát. MEF III tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp tiêu dùng Việt Nam thuộc các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng.