Có thu nhập bình quân đầu người thấp so với cả nước, nhưng Bến Tre đã đạt được những thành công bước đầu trong chuyển đổi số, tạo nền móng cho phát triển kinh tế tương lai.
Bến Tre ban hành nghị quyết về chuyển đổi số
Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn cả về kinh tế lẫn độ phủ của điện thoại thông minh, Bến Tre hiện đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Kết quả này có được nhờ quyết tâm của UBND tỉnh, kết hợp với sự hỗ trợ từ phía Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT).
Với mục tiêu xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, là địa phương tiêu biểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp, UBND Tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/10/2020 về Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Một hội nghị về chuyển đổi số do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức.
Sau hai tháng triển khai nghị quyết, Bến Tre đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình số hoá. Theo đó, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Bến Tre phiên bản 2.0. Việc xây dựng Kiến trúc CQĐT đóng vai trò quan trọng trong phát triển CQĐT (hướng đến Chính quyền số), giúp lãnh đạo các cấp có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai CQĐT kịp thời, chính xác; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ CQĐT.
Tỉnh đã triển khai thí điểm có hiệu quả hai dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Bến Tre. Đầu tiên, phần mềm “Thành phố Bến Tre trực tuyến” quản lý phản ánh hiện trường và tương tác trực tuyến trên khung giải pháp VNPT Smart City (gồm các lĩnh vực rác thải, tập trung mua bán và lấn chiếm lòng lề đường, quảng cáo, trật tự xây dựng). Thứ hai là dịch vụ giám sát an ninh, giao thông.
Hiện Sở TT&TT đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng kế hoạch thí điểm tiếp tại hai huyện theo đề xuất của Viettel, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, dự kiến hết quý I/2021 đưa vào vận hành thử nghiệm.
Ngoài ra, việc thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre đang được triển khai trình UBND tỉnh. Bến Tre cũng có kế hoạch tham gia chuỗi công viên Phần mềm Quang Trung.
Chuyển 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 chỉ trong 2 tháng
Trước đó, kể từ 31/10/2020, Bến Tre đã hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 chỉ trong vòng hai tháng kể từ khi lên kế hoạch.
Dịch vụ công trực tuyến trực tuyến mức 4 vận hành tại Bến Tre. (Ảnh: Vân Anh).
Qua thống kê, số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 được cung cấp là 1.030 thủ tục (trong đó: cấp tỉnh là 952 thủ tục; cấp huyện là 53 thủ tục; cấp xã là 25 thủ tục). Tuy nhiên, số lượng DVCTT mức độ 4 được cung cấp thực tế trên Cổng DVCTT của tỉnh là 904 thủ tục. Nguyên nhân, trong quá trình thực hiện một số thủ tục được bãi bỏ. Bên cạnh đó, một số thủ tục được cung cấp trên hệ thống của Bộ, ngành liên quan nhưng chưa thể tích hợp vào Cổng DVCTT của tỉnh để chia sẻ, giải quyết và đồng bộ hồ sơ giữa các hệ thống.
Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục kế hoạch truyền thông triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương thực hiện thủ tục triển khai các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt trong kế hoạch thực hiện đề án chuyển đổi số; Đồng thời tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.
Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Sở TT&TT Bến Tre, cho biết trong quá trình thực hiện Nghị quyết về Chuyển đổi số, tỉnh đã gặp nhiều thách thức, nhưng sẽ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các các nội dung trong đề án.
“Những thách thức đều rất mới, chưa có hình mẫu trước đó để làm theo, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tìm hướng giải quyết”, ông Châu trả lời ICTnews. Theo ông Châu, một số tỉnh thành đã triển khai chuyển đổi số, tuy nhiên mỗi nơi đều ưu tiên phát triển thế mạnh địa phương nên mô hình khác nhau, không có nhiều điểm tương đồng để tham khảo.
Tuy vậy, ông Châu khẳng định chuyển đổi số là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Sở TT&TT là đầu mối kết nối với các sở ngành tại địa phương, trước mắt sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi số trong y tế, giáo dục và triển khai hiệu quả việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức dộ 4. Song song với nỗ lực quyết liệt của địa phương, tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ các bộ ngành liên quan để thực hiện thành công đề án.
Ông Châu cho biết trong thời gian đưa các dịch vụ công mức độ 4 lên trực tuyến, phía Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) đã hỗ trợ rất nhiều. Phía Cục cùng với Sở và đơn vị cung cấp nền tảng đã cùng phối hợp để chuẩn hoá quy trình, tạo các biểu mẫu điện tử, để các thông tin trên cổng một cửa điện tử của tỉnh tương thích với Cổng quốc gia. Cục Tin học hóa cũng hướng dẫn nhiều quy trình và giúp tháo gỡ một số vướng mắc khi tỉnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến với Bộ TT&TT hồi tháng 7/2020, tỉnh Bến Tre nêu những khó khăn liên quan quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, tổng số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trên toàn tỉnh là hơn 911 nghìn, trong đó chỉ có hơn 600 nghìn thuê bao (65%) phát sinh lưu lượng, thấp hơn gần 5% so với mức trung bình của cả nước.
Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone/100 dân chỉ đạt 70,8%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc (80,2%). Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone/tổng số thuê bao di động chỉ đạt 54,14%.
Tỷ lệ phủ sóng di động theo dân số đối với 2G, 3G đạt 100% và đối với 4G đạt 91,07% thấp hơn trung bình của cả nước (tỷ lệ phủ sóng di động 4G của cả nước hiện đạt 95,72%). Số lượng thuê bao 2G/100 dân trên địa bàn vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng kể (54%).
Bàn về việc này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định khó khăn là trở ngại nhưng cũng là lợi thế của Bến Tre. Bến Tre là tỉnh đi sau, cần phải đi nhanh hơn để bắt kịp với các tỉnh ở tốp đầu.
Gợi ý cho Bến Tre giải quyết vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất tỉnh tăng tỷ lệ sở hữu smartphone của người dân. Với sự tham gia của các nhà mạng, nhà sản xuất Việt Nam, việc đưa giá smartphone về dưới 1 triệu đồng rất khả thi, giúp tiếp cận người dân dễ dàng hơn.
Với thế mạnh nông nghiệp, Bộ trưởng đề xuất tỉnh cần có giải pháp đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử như Vỏ sò của Viettel hay Postmart của VNPost.
Sau cuộc họp này, phía Cục Tin học hoá và Bến Tre đã cùng phối hợp để đưa 100% dịch vụ công mức độ 4 lên trực tuyến. Tiếp đó, vào tháng 10/2020, Bến Tre phê duyệt Nghị quyết về Chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, với tổng kinh phí dự kiến 1.300 tỷ đồng.
Năm 2019, Bến Tre chỉ xếp thứ 46 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 58 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 54 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Nhưng những thành công bước đầu về chuyển đổi số của Bến Tre trong năm 2020 đã cho thấy ngay cả những tỉnh ở top sau về kinh tế vẫn có thể tiên phong về chuyển đổi số.