Trước áp lực chi phí nguyên liệu, nhiều loại bia liên tục tăng giá. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này đang gặp khó khăn về nguồn cung lẫn giá đầu vào.
Cuối tháng 3, Công ty cổ phần thương mại Bia Hà Nội (Habeco) - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Hà Nội, bia hơi Hà Nội, Trúc Bạch... thông báo điều chỉnh giá các loại bia hơi từ ngày 10/4. Cụ thể, bia hơi 30, 50 lít tăng thêm 1.001 đồng/lít; bia keg 2 lít tăng thêm 4.117 đồng/lít; bia hơi 1 lít (xách 6 chai) tăng thêm 7.062 đồng/lít.
Trước đó, ngày 1/1, doanh nghiệp này đã thông báo tăng giá thêm 616-1.110 đồng/lít. Thực tế, không chỉ Habeco mà hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất bia cũng phải đồng loạt tăng giá bán trước áp lực chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Ghi nhận tại một số đại lý và cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội giá nhiều loại bia tăng 15.000-30.000 đồng/thùng so với cuối năm 2021. Cụ thể, bia Tiger xanh, bạc có giá mới là 350.000-395.000 đồng/thùng, bia Heineken cũng tăng lên mức 425.000-450.000 đồng/thùng...
Bia siêu thị rẻ hơn đại lý
Lý giải nguyên nhân tăng giá bán, chị H. chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Trường Chinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng một phần do giá xăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến nhiều mặt hàng tăng theo, phần khác do giá nhập từ đại lý tăng nên giá bán lẻ cũng phải cao hơn trước.
Tại cửa hàng chị, bia Tiger có giá 380.000 đồng/thùng; bia Heineken giá 450.000 đồng/thùng. "Giá sẽ tiếp tục tăng nên tôi nhập nhiều hơn trước để dự trữ mùa nắng nóng. Tuy nhiên, hiện nay sức mua vẫn rất thấp, khách hàng cũng hạn chế mua số lượng thùng, chủ yếu mua theo lon", chủ cửa hàng nói.
Trong khi đó, mức giá niêm yết tại các siêu thị có phần thấp hơn, một số còn có nhiều chương trình khuyến mại. Theo khảo sát của Zing, Top Market hiện là siêu thị đưa ra mức giá thấp nhất, kế đến là Co.opMart, Vinmart...
Một thùng bia Tiger 24 lon tại siêu thị Co.opmart có giá 365.500 đồng; tại Vinmart là 365.800 đồng; tại Top Market là 357.600 đồng. Tương tự, một lốc gồm 6 lon bia Heineken bạc tại Co.opmart có giá 120.000 đồng; tại Vinmart là 119.500 đồng; tại Top Market 113.400 đồng. Còn bia 333 bán tại các siêu thị này cũng dao động trong khoảng 265.500-276.000 đồng/thùng.
Nhiều loại bia được siêu thị thay đổi giá mới từ cuối tháng 3. Ảnh: T.T
Bên cạnh đó, một số siêu thị còn hạn chế lượng bia bán ra vì không đủ nguồn cung. Đại diện MM Mega Market thừa nhận hiện nay một số siêu thị thuộc hệ thống phải giới hạn vì lượng hàng dự trữ thấp. "Còn các siêu thị có số lượng trữ tốt, sức mua không quá nhiều thì sẽ không giới hạn số lượng bán ra", đại diện này cho biết.
Theo đại diện MM Mega Market, hiện nay phía nhà cung cấp đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất khiến hàng hóa cung ứng cho đơn vị không được như trước.
Anh Hòa - chủ một đại lý bia ở quận Tân Phú (TP.HCM) - cho biết từ cuối năm ngoái một thùng bia Tiger xanh 24 lon có giá bán sỉ 345.000-355.000 đồng/thùng đến nay đã tăng lên 365.000 đồng/thùng.
Theo anh, sau khi giá xăng dầu liên tục tăng thì nhiều mặt hàng hóa ngoài thị trường cũng tăng theo. "Tuy nhiên sức mua bia các loại vẫn chưa tăng cao ở các cửa hàng bán lẻ", chủ đại lý này thông tin.
Doanh nghiệp sản xuất bia gặp khó
Hiện, một số hãng bia khác cũng thông báo tăng giá để bù đắp chi phí nguyên liệu gia tăng. Ngày 4/2, Công ty sản xuất bia Carlsberg (Đan Mạch) cho biết sẽ tăng giá bia trong năm 2022.
Về thị trường bia năm 2022, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Sài Gòn đánh giá ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và những quy định của Chính phủ.
Lãnh đạo Sabeco cho biết Nghị định 100 và Nghị định 24 đặt ra các quy định khắt khe hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như các hình thức xử phạt nặng hơn đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông... Ngoài ra, quy định đồ uống có cồn phải trả 3 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng khiến ngành bia gặp khó.
Trong hơn 3 tháng đầu năm, Habeco đã 2 lần tăng giá bán bia hơi Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.
Đơn vị này đánh giá ngành dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại có thể giúp tăng tiêu thụ sản lượng đồ uống có cồn.
"Tuy nhiên, ngành sản xuất kinh doanh bia vẫn gặp những thách thức chung như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm hàng hóa, cước vận tải tăng… Hơn nữa, sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần", doanh nghiệp này nhìn nhận.
Tương tự, Habeco cũng cho biết dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy. Giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm như: Vỏ lon tăng 30-40%, nắp chai tăng 35%, hộp giấy tăng 15%... và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, việc nhập vật tư nguyên liệu chính để sản xuất có nguy cơ chậm vì đối tác nước ngoài không bố trí được phương tiện vận chuyển, đặt ra gánh nặng chi phí cho nhà sản xuất.