Các đề án được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước thực hiện trong những năm qua không chỉ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn cải thiện sản xuất, tăng doanh thu lợi nhuận mà còn phát huy được thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khuyến công Bình Phước vẫn gặp không ít trở ngại, ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình.
Nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa bảo đảm, nhất là đối với các huyện vùng sâu, vùng xa là một trở ngại lớn của công tác khuyến công tại địa phương. Điều này khiến ngay từ khâu khảo sát, xây dựng đề án đã không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thậm chí phải dừng thực hiện. Việc tư vấn cho cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học và mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng cũng gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí của cả Trung ương và địa phương bố trí cho khuyến công quá ít so với nhu cầu cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả chương trình.
Những trở ngại trên xuất phát từ nguyên nhân cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh ít, thường là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên kinh nghiệm còn hạn chế. Đa số các cơ sở CNNT là doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể nên yếu về tiềm lực tài chính và khả năng huy động vốn, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm đơn điệu, thiếu kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn nên dễ có biến động trong quá trình đầu tư. Một bất cập nữa đó là quá trình từ khi khảo sát, xây dựng đề án đến khi có quyết định phân giao thực hiện thời gian kéo dài đến trên 6 tháng, một số cơ sở vướng mắc về tài chính, công nghệ… dẫn đến không triển khai được phải xin ngừng hoặc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Bình Phước đã xây dựng nhiều giải pháp. Theo đó, khuyến công thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của tỉnh trên cơ sở tận dụng mọi nguồn lực của địa phương. Chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giảm thiểu việc xây dựng chương trình, đề án dàn trải, nhỏ lẻ, tăng cường xây dựng đề án mang tính liên kết, mở rộng. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công tới các doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phong phú, đa dạng với nội dung thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.
Tuy nhiên, để các giải pháp này được thực thi một cách hiệu quả, Bình Phước cũng có một số kiến nghị với Cục Công nghiệp địa phương. Cụ thể: Đối với dạng đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, đề nghị được lập theo nhóm đối tượng thụ hưởng để chủ động hơn trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án. Các đề án khuyến công quốc gia điển hình, có hiệu quả cao được tổ chức thực hiện ở các tỉnh, Cục Công nghiệp địa phương cần giới thiệu, tăng khả năng nhân rộng.
Sở Công Thương Bình Phước kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị tham mưu Hội đồng Nhân dân các huyện, thị bố trí nguồn kinh phí khuyến công hàng năm cho các huyện, thị; bổ sung nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công địa phương hàng năm theo Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt; hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm xây dựng trụ sở làm việc và phòng trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu. |
Hải Linh / baocongthuong