Hiện nay phí thị thực (visa) có giá trị một lần cho người nước ngoài đến Việt Nam là 25 đô la Mỹ. Giả sử, Việt Nam sẽ gỡ bỏ rào cản thị thực cho hơn một trăm quốc gia như cách Singapore, Malaysia hay Philippines đang làm thì mỗi năm sẽ mất đi hàng trăm triệu đô la từ nguồn này. Liệu nguồn thu từ lượng khách du lịch tăng thêm có thể bù đắp được hay không?
Ngành du lịch kỳ vọng chính sách cởi mở về thị thực sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Trong ảnh là một nhóm du khách nước ngoài đang chụp ảnh lưu niệm tại khu trung tâm TPHCM. Ảnh: Minh Duy |
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái và con số này có thể đạt đến khoảng 13 triệu lượt trong năm nay. Trong đó, khoảng 50% số người nước ngoài đến Việt Nam thuộc diện được miễn thị thực. Nếu làm một phép tính đơn giản, bình quân mỗi khách quốc tế đóng phí thị thực là 25 đô la Mỹ thì tổng số tiền thu được từ nguồn này trong năm 2017 có thể là 162,5 triệu đô la.
Đây là con số ước chừng, trên thực tế có thể sẽ khác vì Việt Nam hiện có nhiều mức phí cấp thị thực khác nhau. Theo thông tư số 219/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, có rất nhiều mức thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài. Trong đó, cấp thị thực có giá trị một lần là 25 đô la/chiếc, loại có giá trị ba tháng có phí 50 đô la, loại 3-6 tháng là 95 đô la, phí thị thực cho khách quá cảnh đường hàng không và đường biển vào tham quan, du lịch là 5 đô la/lần.
Việt Nam đã ký Hiệp định, thỏa thuận miễn thị thực với 83 nước, trong đó 2 hiệp định, thỏa thuận với Namibia và Bolivia chưa có hiệu lực. Miễn thị thực bao gồm việc miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh. Thời gian tạm trú miễn thị thực được tính từ ngày nhập cảnh. |
Vì thế, để thuyết phục Chính phủ miễn thị thực cho du khách thì ngành du lịch phải chứng minh được những tác động tích cực của chính sách này (nếu được ban hành) đến khả năng tăng trưởng lượng khách. Các chứng cứ này phải rõ ràng, cụ thể và có tính xác thực để Chính phủ chấp nhận bỏ qua nguồn thu này, đồng thời chấp nhận những thách thức đến từ các vấn đề về an ninh có thể xảy ra khi bỏ qua rào cản thị thực.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên yêu cầu dỡ bỏ rào cản thị thực hay miễn thị thực chung chung mà phải có sự chọn lọc. Cụ thể, những thị trường mà du khách có khả năng chi tiêu, có tiềm năng tăng trưởng, được dự báo có sự chuyển biến tích cực về lượng khách nếu được Việt Nam miễn thị thực thì nên đưa vào danh sách ưu tiên, những thị trường còn lại nên áp dụng chính sách hiện hữu.
Mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch có dẫn thông tin từ cuộc nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới về tác động của việc miễn thị thực tại các nước ASEAN, cho thấy việc miễn thị thực sẽ làm số khách du lịch tăng thêm 3-5,1% và số việc làm trực tiếp trong xã hội tăng thêm 1,6-3,1%.
Thiết nghĩ, ngành du lịch nên có những cuộc nghiên cứu sâu hơn về tác động của chính sách này đối với những thị trường đã được Việt Nam miễn thị thực trong thời gian qua. Từ đó, có được những số liệu thống kê cùng những dẫn chứng cụ thể, có tính thuyết phục trước khi đề đạt chính sách mới đến Chính phủ.
Đặng Lam
(TBKTSG Online)