Các chuyên gia cho rằng, cần phải tái cơ cấu lại thị trường khách, xây dựng các điểm đến an toàn, đặc biệt ưu tiên những dự án kinh tế đêm để thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền nhiều hơn.
Ngành du lịch “bốc hơi” 7 tỷ USD vì dịch bệnh!
Diễn biến của dịch COVD-19 đang ngày càng phức tạp và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Sau Trung Quốc, đến lượt Hàn Quốc, Nhật Bản trở thành điểm nóng tiếp theo của dịch với số lượng ca nhiễm bệnh và tử vong được ghi nhận ngày một tăng.
Đây đều là các thị trường khách nước ngoài lớn của Việt Nam, việc phải dừng các hoạt động đón khách khiến cho ngành du lịch vốn đã khó khăn nay càng trở nên lao đao.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đối với ngành du lịch Việt Nam là khá nặng nề
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD do dịch Covid-19 gây ra.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ông Ngô Hoài Chung cho biết đây là thiệt hại dựa trên cơ sở nhiều tác động trước mắt, như: Trung Quốc đã hạn chế công dân đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng các lễ hội, hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh; các thị trường quốc tế khác đang e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước hạn chế đi du lịch.
Tuy nhiên, theo nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thiệt hại trên thực tế lớn hơn nhiều. Chia sẻ với Dân trí, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group cho hay, tập đoàn này cũng không nằm ngoài “tâm bão”.
Gần 2 tháng qua, tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng do Sun Group đầu tư, tỷ lệ hủy phòng lên tới 70%. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng chịu thiệt hại nặng khi các đường bay Thẩm Quyến (Trung Quốc) – Vân Đồn; Incheon (Hàn Quốc) – Vân Đồn... bị hủy. Đồng thời khách hàng bay nội địa cũng giảm trung bình 60%.
Tại bến nội địa Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, lượng khách giảm mạnh, trong đó khách Trung Quốc giảm đến 98%, Hàn Quốc giảm 85%, Việt Nam giảm 70%. Đặc biệt, tại bến quốc tế, sau khi có công bố về dịch, hầu hết các chuyến tàu biển của tháng 2 đã bị hủy.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD
“Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của chúng tôi sẽ gặp khó khăn hơn, về lâu dài sẽ tác động đến đóng góp đối với ngành du lịch, nền kinh tế các địa phương, đồng thời ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm và cuộc sống của hàng nghìn lao động đang làm việc tại các khu vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group trên toàn quốc”, ông Đặng Minh Trường nói.
Không có khách, sụt giảm doanh thu, phải đổi mặt với nguy cơ đóng cửa… là tình cảnh khó khăn chung của nhiều đơn vị, công ty trong lĩnh vực du lịch.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour ước tính chỉ riêng việc phải hủy tour đưa khách đi Hàn Quốc, Nhật Bản đã khiến đơn vị này thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng, con số này thời gian tới có thể sụt giảm doanh thu về mức 0% như tình trạng khủng hoảng thị trường Trung Quốc hiện tại nếu dịch COVD-19 không được kiểm soát tốt.
Nghiên cứu của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho thấy, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn ở một số điểm đến thời gian gần đây đã giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các điểm du lịch trên cả nước, doanh thu cũng giảm 50% vì không còn khách Trung Quốc, trong khi khách Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã vắng hơn nhiều.
Làm gì để "kéo khách" trở trở lại?
Mới đây, Hiệp Hội du lịch Việt Nam đã thành lập Liên minh kích cầu du lịch. Chương trình kích đầu đầu tiên thực hiện ở 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk với giá tour giảm từ 50-70%.
Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam vượt qua những khó khăn do tác động của dịch virus corona.
Hàng loạt các doanh nghiệp cũng ngay lập tức đưa ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn nhằm “kéo khách” trở lại. Vietravel triển khai đề án “I am safe”, nhằm truyền đi thông điệp “chúng tôi an toàn” để mời gọi đông đảo bạn bè quốc tế đến Việt Nam du lịch.
Các doanh nghiệp kiến nghị để vực dậy ngành du lịch cần phải có các sản phẩm du lịch mới, giúp thu hút, hấp dẫn khách đến từ các thị trường chi tiêu cao.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang cùng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, hàng không xây dựng và tổ chức các tour kích cầu giảm giá từ 30% trở lên. Trong khi đó, Vietrantour “tung” ra các gói tour hấp dẫn đi các nước Bali, Dubai, Nga… và hàng loạt các điểm đến trong nước giá rẻ từ 30-40% so với trước đó.
Tại các điểm vui chơi, giải trí của Sun World trên cả nước, đều phát loa và dán các thông báo đưa ra chỉ dẫn cụ thể giúp du khách phòng, chống dịch bệnh. Đơn vị này cũng đặt hàng nghìn lọ nước sát khuẩn ở các vị trí công cộng phục vụ khách.
Một số khách sạn, resort của Sun Group còn mời bác sĩ, chuyên gia y tế đào tạo cấp tốc về các biện pháp giữ vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh. Đây là các biện pháp được đưa ra nhằm giúp du khách cảm thấy yên tâm khi đi du lịch.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới để “vực dậy” ngành du lịch, thì cần có các giải pháp đồng bộ, tích cực của nhiều đơn vị. PGS. TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng Việt Nam cần phải bắt tay ngay vào việc kích cầu, tái cơ cấu lại thị trường khách.
“Dịch bệnh là một phép thử, giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại các thị trường khách. Thời gian qua, một số thị trường khách đến từ các nước như: Úc, Mỹ, Canada… rất tiềm năng, là “khách nhà giàu”, chi tiêu cao nhưng chưa được quan tâm đúng mức, thì đây là thời điểm để chúng ta tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút khách. Thay vì phục vụ 10 khách thì mình đầu tư phục vụ 1 khách nhưng đạt hiệu quả tương đương, lại không tốn cơ sở vật chất và nhân lực”, ông Lương nói.
Trong khi đó, đại diện Sun Group cũng cho rằng, để thu hút khách ngành du lịch cần nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt ưu tiên những dự án kinh tế đêm để thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền nhiều hơn.
Ngoài ra, đơn vị này kiến nghị chính phủ cho phép giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; Cho phép chậm nộp thuế VAT quý 4-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đề xuất lùi sang quý 3 hoặc quý 4-2020.
Trước đó, Hội đồng tư vấn du lịch TAB cũng đề xuất, chính phủ cần thực hiện việc miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép khách du lịch trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định nhất là Vương quốc Anh, châu Âu, Úc, New Zealand và Canada.
Giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Đồng thời giải ngân cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia để thực hiện kế hoạch hành động tiếp thị và quảng bá...