Cao Bằng giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 hằng năm là thời điểm đẹp nhất khi các cánh đồng lúa chuyển vàng. Những bức ảnh này được chụp ở nhiều địa điểm khác nhau, do Đặng Văn Hải, nhiếp ảnh gia tại Bình Định, sinh năm 1993, thực hiện vào giữa tháng 9.
Theo Hải, để chụp ảnh nên chọn thời gian đẹp nhất vào lúc bình minh (từ khoảng 4h sáng) và hoàng hôn (từ khoảng 15h). Để có những bức ảnh đẹp, Hải khuyên nên sử dụng máy ảnh có ống kính góc rộng để chụp được bao quát khung cảnh thiên nhiên, ngoài ra còn cần dùng thêm ống tele để chụp được những cảnh đặc tả người đồng bào thu hoạch lúa. Có thêm chân máy ảnh là một lợi thế. Vì là khu vực biên giới nên việc sử dụng flycam rất khó khăn.
Điểm đầu tiên Hải đến là khu vực sông Quây Sơn. Sông Quây Sơn hay Quế Sơn bắt nguồn từ các khe suối tại huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sau đó, sông chảy về phía nam, bắt đầu chảy hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam.
Hải cũng ghé qua Ngọc Côn, một xã thuộc huyện Trùng Khánh. Xã có tỉnh lộ 213 chạy qua và nối đến cửa khẩu Pò Peo trên biên giới với Trung Quốc.
Điểm đến thứ ba là cánh đồng lúa ở xã Phong Nặm thuộc huyện Trùng Khánh.
Phong Nặm là nơi có khung cảnh đẹp bình dị với những cánh đồng mùa vàng, dòng sông uốn lượn và những nóc nhà đơn sơ... tạo thành một bức tranh thiên nhiên mà nếu tận mắt chứng kiến ấn tượng sẽ còn đặc biệt hơn.
Với Hải, tận mắt chứng kiến được cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, một thung vũng lúa vàng được bao quanh bởi rất nhiều núi mà không thể bắt gặp khung cảnh này ở những nơi khác.
Địa điểm cuối cùng là thác Bản Giốc, nơi không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng. Thác nằm ở Đàm Thủy, giữa biên giới Việt - Trung. Những ngày này khu vực thác Bản Giốc lúa chưa vàng như nhiều nơi khác.
Hải gợi ý, để di chuyển tới những địa điểm trên, bạn có thể đi bằng cả phương tiện ôtô hoặc xe máy, nên lưu trú tại khách sạn ở Trùng Khánh.