Số liệu tài chính quý I năm nay khắc họa bức tranh mùa xuân không mấy ấm áp với các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều ông lớn đồng loạt giảm mạnh doanh thu, báo lỗ.
Mùa xuân lạnh giá
Mới đây, Bộ xây dựng công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I với nhận định các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, 940 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới, giảm tới 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp giải thể là 341 (tăng 30,2%), ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự như báo cáo quý IV/2022, Bộ xây dựng cho biết doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Riêng đối với doanh nghiệp môi giới bất động sản, tình hình kinh doanh còn khó khăn hơn. Trong quý I vừa qua, theo khảo sát của Bộ xây dựng có thêm khoảng 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
"Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn", trích báo cáo.
Những khó khăn này thể hiện rõ nhất trong biến động nhân sự ngành bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp môi giới.
Công ty cổ phần Đất Xanh Service (mã chứng khoán: DXS) công bố giảm tới 2.757 nhân sự trong năm 2022, tương đương mức giảm là 45,2%. Đầu năm 2022, công ty có 6.097 người thì tới cuối năm chỉ còn 3.340 nhân sự. Không dừng lại ở đó, thời điểm cuối quý I vừa qua doanh nghiệp còn 2.095 nhân sự, tương đương giảm thêm 37,3% so với hồi cuối năm ngoái.
Tương tự, báo cáo tài chính cho thấy thời điểm 31/3, số lượng nhân viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) là 2.389. Như vậy tập đoàn này giảm 1.384 nhân sự (tương đương 37%) so với cuối năm 2022.
Thời điểm cuối năm ngoái, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) cũng giảm 29,5% nhân sự. Doanh nghiệp cho biết hồi đầu năm có 207 người nhưng đến cuối năm chỉ còn 146 nhân sự. Sang đến cuối quý I/2023, số nhân sự giảm tiếp về mức 136 người.
Các công ty bất động sản tiếp tục giảm nhân sự trong bối cảnh khó khăn (Ảnh: IT).
Đồng loạt báo lỗ
Số liệu tài chính năm 2022 phơi bày phần lớn những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản từ việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận hay thậm chí là thua lỗ. Sang đến quý I/2023, sức khỏe của doanh nghiệp thậm chí còn khó khăn hơn.
Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết. Trong quý vừa qua, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn này chỉ đạt 604,1 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty địa ốc này ghi nhận mức lỗ sau thuế 410,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với số lãi khoảng 1.045,6 tỷ đồng của quý I năm 2022. Kể từ năm 2016, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ.
Tương tự, ông lớn môi giới Đất Xanh Group cũng ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 ở mức 378,1 tỷ đồng, giảm 79%. Đơn vị này ghi nhận lỗ sau thuế 117,3 tỷ đồng, giảm sâu so với mức lãi 408,4 tỷ đồng của quý I/2022. Đây cũng là quý thứ 2 công ty này báo lỗ.
Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cenland - mã chứng khoán: CRE) cũng báo lỗ 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 141,9 tỷ đồng. Doanh thu thuần giảm từ 1.942,2 tỷ đồng về còn 53,3 tỷ đồng.
Thậm chí, Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) còn không phát sinh doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý vừa qua. Đơn vị này báo lỗ sau thuế 16,8 tỷ đồng, ngược với quý I năm ngoái báo lãi 2,4 tỷ đồng.