Mỗi năm, khi vào mùa thu hoạch rộ cá đồng cũng là lúc người Khmer Trà Vinh làm mắm prô hốc. Nhà giàu hay nghèo chỉ cần nhìn vào khạp mắm to hay nhỏ là biết liền. Mắm prô hốc “chín” có màu nâu, sánh mịn, thơm nức.
Nhà nghèo, miếng bí miếng bầu nấu canh nêm chút prô hốc là ngon tuyệt rồi. Prô hốc cũng là thành phần chính để nấu bún nước lèo. Nói đến bún nước lèo thì Sóc Trăng, Trà Vinh (hai tỉnh có 70% đồng bào Khmer toàn khu vực) là hai nơi nấu ngon nhất vùng.
Nguyên liệu nấu, cách nấu, cách trình bày cũng rất khác, tuyệt ngon và độc đáo, không thể nào lầm lẫn được. Mùa mưa gió, bà mẹ Khmer thương chồng con vất vả liền trổ tài nấu bún nước lèo. Đơn giản thôi: Đun nồi nước nhỏ, bỏ mắm prô hốc vào nấu lửa liu riu cho thịt mắm rã trơ xương, lược bỏ xương là có “mắm cốt”.
Bắc nồi nước lớn (vừa đủ chan bún cho cả nhà ăn), chờ sôi, thả vào vài con cá lóc nấu chín vớt ra, rỉa thịt, bỏ vào cối đâm (giã) nhuyễn. Nêm từ từ “mắm cốt” vào nồi nước luộc cá, nhỏ lửa, hớt sạch bọt cho trong nước rồi mới cho thịt cá đã đâm nhuyễn vào cho “tan” trong nước, nêm nếm lại vừa miệng là có nồi nước lèo chính gốc ngọt lịm hương vị mắm và cá đồng.
Khi ăn, xé tơi từng lọn bún cho vào tô lớn, rau sống (giá, bông chuối bào, hẹ, rau thơm) đặt lên trên rồi múc nước lèo rưới lên, thêm muỗng ớt bằm. Ai muốn thêm rau, nước mắm trong, “mắm cốt”, ớt, chanh… tùy thích. Vừa ăn vừa hít hà vì nóng, vì cay. Ngoài kia gió mưa… mặc trời đất.
Bây giờ về Trà Vinh, ngay thị xã trung tâm tỉnh lỵ, chúng ta vẫn gặp những người mẹ, người chị Khmer với gánh bún nước lèo. Vẫn là thứ bún nước lèo mang hồn dân tộc Khmer Trà Vinh: nước lèo rưới bún, rau sống… không “bài trí” thêm con tép, miếng cá lóc, lát thịt quay 1.000đ/tô
ST