Theo Bộ Giao thông Vận tải, cả nước có khoảng 1.163km đường cao tốc. Trong đó, khu vực phía Nam hiện có khoảng 146km đường cao tốc.
Cụ thể, ở khu vực miền Nam, hiện có 3 tuyến cao tốc là TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (khoảng 40km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (khoảng 55,7km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (khoảng 51km) đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, khu vực phía Nam có vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế sôi động nhất cả nước, dù dân số chỉ chiếm khoảng 18% nhưng đóng góp đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 36% tổng thu ngân sách quốc gia và khoảng 33% GDP cả nước. Khu vực này đã thực sự đóng vai trò đầu tàu, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách của cả nước.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh của vùng dẫn đến nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, tạo áp lực giao thông đối với kết cấu hạ tầng hiện hữu. Để đón làn sóng đầu tư mới nhằm phát triển kinh tế, theo Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tưởng Chính phủ, khu vực phía Nam sẽ được đầu tư 10 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài lên tới khoảng 1.290km.
Cùng với đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến đường cao tốc đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng chiều dài khoảng 305km, bao gồm có Đà Nẵng – Quảng Ngãi (khoảng 127km); Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) – Hòa Liên (Đà Nẵng) (khoảng 164km) và Hầm đèo Cả (Phú Yên – Khánh Hòa) (khoảnh 14km).
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tưởng Chính phủ, khu vực miền Trung – Tây Nguyễn sẽ được đầu tư 10 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài lên tới khoảng 1.431km.
Số km đường cao tốc khu vực phía Bắc; miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam.
Khu vực phía Bắc hiện có khoảng 712km đường cao tốc. Như vậy, số km đường cao tốc tại khu vực phía Bắc chiếm khoảng 61% tổng số km đường cao tốc của cả nước. Đặc biệt, tỉnh có tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam hiện nằm tại khu vực phía Bắc.
Cụ thể, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) dài 80 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng đã chính thức thông xe từ tháng 9/2022. Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176 km.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khánh thành và đi vào hoạt động là niềm tự hào của Quảng Ninh trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng. Theo đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất cả nước sở hữu tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất.
Tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng với hệ thống cảng biển, logistics; các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt cho Quảng Ninh.
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tưởng Chính phủ, khu vực phía Bắc sẽ được đầu tư 14 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài lên tới khoảng 2.305km.
Bên cạnh đó, Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tưởng Chính phủ nêu rõ, đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021).
Đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Theo trục dọc Bắc Nam (2 tuyến), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe.