Nông sản rớt giá vì Covid-19, người trồng giảm đầu tư khiến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp chuyên thuốc bảo vệ thực vật lao dốc mạnh nửa đầu năm.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2020 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho thấy, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 55% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, mảng chủ lực thường mang lại doanh thu trên 60% và lợi nhuận "khủng" cho doanh nghiệp là thuốc bảo vệ thực vật đã lao dốc mạnh nửa đầu năm nay. Cụ thể, doanh thu chỉ đạt 1.346 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ 2019.
Đánh thuốc" trị nhện đỏ trên cây bưởi ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Thanh Huế.
Tương tự, quý II, Công ty Cổ phần Nông dược HAI cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 82,33%, xuống 109 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 156 triệu đồng, giảm 97,78% so với cùng kỳ 2019.
Còn tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ, mặc dù doanh thu có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lợi nhuận gộp giảm tới 23,3%. Do đó, thay vì lãi như cùng kỳ năm ngoái, 6 tháng đầu năm nay doanh nghiệp này lỗ trước thuế 119 triệu đồng.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận "lao dốc" 6 tháng qua là do sức mua trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật sụt giảm. Bởi thời gian qua, giá nông sản bị tác động mạnh vì dịch bệnh nên nông dân giảm đầu tư. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán, diện tích canh tác vụ hè thu giảm. Ngoài ra, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, ít dịch bệnh sâu hại nên lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm.
Trước đây, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thường được xem là rất hấp dẫn bởi biên lợi nhuận cao và nhu cầu của thị trường. Trong năm 2019, tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình mảng thuốc bảo vệ thực vật của các doanh nghiệp niêm yết đạt 25,6%. Để so sánh, tỷ lệ biên lợi nhuận gộp bình quân các doanh nghiệp trên hai sàn niêm yết là khoảng 17%.
Riêng với doanh nghiệp nội đứng đầu thị phần là Lộc Trời, thuốc bảo vệ thực vật cũng từng là mảng có tỷ suất sinh lời tốt nhất trong các lĩnh vực kinh doanh.
Cơ hội của ngành này đến từ việc Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng trong nhóm cao trên thế giới, khoảng 4 kg mỗi ha. Với mỗi vụ canh tác, nông dân Việt Nam thường phun thuốc bảo vệ thực vật từ 5 đến 8 lượt.
Trong một báo cáo cách đây 3 năm, World Bank khẳng định có đến 50-60% nông dân trồng lúa sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức đề nghị, 38-70% nông dân các tỉnh phía Nam sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, các doanh nghiệp nội địa trong ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc khó tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho tới tình trạng cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, hàng giả, hàng nhái và xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang giảm dần.
Kết quả này phần nào cũng phản ánh trên báo cáo tài chính những doanh nghiệp dẫn đầu. Doanh thu của Lộc Trời tăng 30% trong giai đoạn 2015-2017 đã chuyển sang đi ngang trong hai năm gần nhất và giảm trong 6 tháng đầu năm nay. Doanh thu của SPC và VFG cũng trong xu hướng tương tự, thậm chí là giảm trong năm 2019.
Hiện nay không chỉ các doanh nghiệp nằm trong top đầu giảm doanh thu, lợi nhuận mà hầu hết công ty sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường cũng giảm doanh thu trên 50%.
Ngoài các nhà máy sản xuất trong nước hoạt động dưới công suất, lượng thuốc nhập khẩu về Việt Nam cũng giảm mạnh. Báo cáo từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, nửa đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 30.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019.
Trao đổi với VnExpress.net về việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong 6 tháng đầu năm nay của nông dân, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, đây không phải là tin tốt cho doanh nghiệp nhưng lại là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù doanh nghiệp gặp khó vì doanh thu giảm nhưng nếu cứ duy trì tình trạng sử dụng quá đà và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ mãi quẩn quanh trong sân nhà và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Ông Xuân cũng cho biết, nông sản Việt Nam trồng ở vùng nhiệt đới nên rất được ưa chuộng tại các nước miền ôn đới. Nhiều đặc sản Việt được người dân tại các nước châu Âu, Mỹ chọn lựa nhưng do mức độ an toàn của sản phẩm chưa đạt chuẩn nên không ít lô hàng bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này khiến cho nền nông nghiệp Việt ngày càng sa sút. Đặc biệt, Covid -19 đang làm cho nền nông nghiệp Việt Nam nhìn rõ hơn bức tranh phụ thuộc quá nhiều từ Trung Quốc.
Do đó, theo GS Xuân, đây là thời điểm tốt để ngành nông nghiệp nhìn lại mình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần rà soát và tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật phòng tránh sâu bệnh cho nông dân để sản phẩm sản xuất ra vừa đạt về mẫu mã và chuẩn về chất lượng, không phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật.
"Có như vậy, nền nông nghiệp Việt mới bền vững. Nông sản Việt sẽ không còn dựa dẫm vào thị trường Trung Quốc mà vươn xa trên bản đồ thế giới", ông Xuân nói.
FPTS cũng đánh giá, trong giai đoạn tới, xu hướng nông nghiệp hữu cơ được kỳ vọng tạo cơ hội phát triển bền vững hơn cho ngành hóa chất nông nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
"Mặc dù các sản phẩm hữu cơ, sinh học chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng bắt đầu tăng nhanh trong cơ cấu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam", báo cáo FPTS đánh giá và cho biết thêm, các sản phẩm dinh dưỡng cây trồng, các sản phẩm hữu cơ, sinh học đang được các doanh nghiệp lớn chú trọng nghiên cứu và phát triển hơn.