♦ Thời đại kim khí: (cách đây khoảng 4.000 năm): từ thời đại đồ đồng tới sơ kỳ đồ sắt, trên đất nước Việt Nam đã hình thành ba trung tâm văn hoá lớn đồng đại: Phùng Nguyên - Đông Sơn (Bắc bộ), Long Thạnh - Sa Huỳnh (Trung bộ) và Cầu Sắt, Dốc Chùa - Đồng Nai (Nam bộ). Ba trung tâm văn hoá này có mối quan hệ qua lại mật thiết, lâu dài và góp phần tạo nên đặc trưng truyền thống văn hóa Việt Nam: thống nhất trong đa dạng.
♦ Nước Văn Lang: Kỷ Hồng Bàng (2879 tr.CN - 258 tr.CN), 2622 năm.
Các triều đại gồm Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 đời vua Hùng. Quốc hiệu là Văn Lang, kinh đô là Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).
Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ)
Trên cơ sở nền văn hoá Đông Sơn, ở Việt Nam đã xuất hiện một nhà nước sơ khai, lãnh thổ từ biên giới Việt - Trung (ngày nay) ở phía Bắc đến sông Gianh ở phía Nam. Quốc gia của người Việt cổ, đó là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.
♦ Nước Âu Lạc: Thục Phán - An Dương Vương (257 tr.CN - 208 tr.CN), 50 năm.
Quốc hiệu là Âu Lạc, kinh đô là Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
Thành Cổ Loa (Hà Nội)
Tiếp sau thời đại các vua Hùng là Nhà nước Âu Lạc do An Dương Vương Thục Phán thành lập vào giữa thế kỷ 3 Tr.CN. Quốc gia này đã được ghi nhận trong Sử ký của nhà sử học Trung Quốc là Tư Mã Thiên. Một kỳ tích của An Dương Vương là xây dựng thành Cổ Loa với ba vòng thành, ngày nay vẫn còn dấu tích.
♦ Nước Chămpa: Ở Nam Trung Bộ, các văn hoá Tiền Sa Huỳnh cũng phát triển lên thời đại sắt. Tiêu biểu cho nền văn hóa này là những khu mộ chum chứa nhiều công cụ bằng sắt, cùng với đồ trang sức bằng mã não hay ngọc bích. Văn hoá này phân bố rộng từ Thừa Thiên cho đến lưu vực sông Ðồng Nai. Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh có thể là tổ tiên của người Chăm, những người đã xây dựng vương quốc Chămpa.
(nguồn: www.vietnamtourism.com)