Cam sành Hà Giang được xác định là cây mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống của nông dân, làm giàu cho nhiều hộ gia đình, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Cam sành Hà Giang góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn |
Với đặc điểm là vỏ dày, sần, lõi cam vàng, có hạt, ăn có vị ngọt khé, đậm đà, cam sành Hà Giang luôn là lựa chọn số một của người tiêu dùng. Nhưng những năm gần đây, giống cây ăn quả truyền thống này bị thoái hóa, giảm cả về diện tích, chất lượng, chỗ đứng trên thị trường. Thực trạng đó đòi hỏi Hà Giang cần có các giải pháp, nhằm lấy lại vị thế của vùng cam truyền thống.
Hiện nay, xã Việt Hồng (huyện Bắc Quang) có hơn 200 ha cam, trong đó có 14 ha cam được trồng theo quy trình VietGap (8 ha đã cho thu hoạch). Sản xuất cam theo quy trình kỹ thuật mới cho năng suất, sản lượng, giá trị hơn hẳn so với vùng cam thâm canh truyền thống, tuy nhiên không phải hộ nào cũng mạnh dạn đăng ký sản xuất cam VietGap, do vốn đầu tư lớn, quy trình chăm sóc khắt khe. Để giúp cây cam lấy lại vị thế, Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách như: Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho nhân dân thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap với mức vay tối đa 50 triệu đồng/ha; hỗ trợ 100% giá trị cây giống, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 12 tháng cho các hộ trồng mới vay vốn thâm canh, mức vay từ 36 - 40 triệu đồng/ha.
Trong những năm đầu triển khai chương trình phục hồi cây cam sành, tỉnh Hà Giang tập trung xây dựng một số mô hình điểm để người dân học tập. Đồng thời kéo dài lộ trình phục hồi vườn cam, nhằm giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất và có thêm thời gian để tiếp cận các nguồn vốn vay được nhà nước hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng. Năm 2015, diện tích cam ở Hà Giang đã nâng lên 5.700 ha, trong đó có 1.730 ha cho thu hoạch, hơn 130 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, tăng lên gần 10 tấn/ha. Anh Lý Văn Long ở xã Việt Hồng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc vườn cam của gia đình. Do chăm sóc tốt, sản lượng quả đạt hơn 30 tấn, chất lượng quả đều, giá thu mua tại vườn được khoảng gần 20.000đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Long thu lãi trên 200 triệu đồng. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, huyện Bắc Quang tiếp tục duy trì diện tích hiện có và tập trung triển khai sản xuất cam VietGap trên 100% diện tích đã có. Phát huy tính chủ động, sáng tạo và sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Huy động toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Thành lập các tổ chỉ đạo sản xuất ở thôn, bản, tổ hợp tác, sản xuất gắn với địa chỉ tiêu thụ sản phẩm.Từ đó, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tổ chức lại sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Nhằm giúp sản phẩm cam giữ vị trí “độc tôn” trên thị trường, Hà Giang đã có những chính sách hỗ trợ các huyện thực hiện hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm như: xây dựng website, poster quảng bá hình ảnh sản phẩm của dự án (được chứng nhận VietGap); xây dựng biển chỉ dẫn vào vườn cam VietGap trên các trục đường, ghi rõ thông tin về diện tích, sản lượng, địa chỉ liên hệ… Hiện nay, cam sành Hà Giang đã bày bán tại các siêu thị lớn, như: Co.op Mart; Metro và sàn giao dịch rau hoa Hà Nội. Năm 2014, cam sành Hà Giang được người tiêu dùng bình chọn là một trong 10 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy; được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.
Giá cả không cao so với các loại trái cây khác của Việt Nam và lại rẻ hơn nhiều so với các loại trái cây nhập ngoại, sản phẩm “cam sạch” Hà Giang đã được người tiêu dùng chấp nhận và đang lấy lại vị thế trên thị trường. |