Căn phòng có lịch sử đặc biệt, thu hút sự tò mò của du khách Nhật Bản khi đặt chân tới TP.HCM. Ước tính, đã có hàng nghìn người hỏi về căn phòng này mỗi năm.
Khoảng 65.000 du khách đến với khách sạn mỗi năm thì 1/3 trong số đó là khách Nhật Bản. Cứ 10 người khách Nhật lưu trú tại đây, sẽ có 2 người tìm đến căn phòng đặc biệt này. Tính ra, mỗi năm có cả nghìn du khách ghé chân.
Đó là căn phòng số 103 tại Khách sạn Majestic (TP.HCM), đây là nơi lưu trú trong giai đoạn từ năm 1964-1965 của nhà báo, nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Takeshi Kaiko (1930-1989).
Bà Huỳnh Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Khách sạn Majestic, cho biết, trong thời gian ở tại căn phòng, Takeshi Kaiko có nhiều bài viết phản chiến từ góc nhìn của bên thứ ba về sự xung đột và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Đây là một tiểu thuyết gia nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc.
Không chỉ khách Nhật Bản người lớn tuổi mà nhiều bạn trẻ khi lưu trú tại khách sạn đều muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử và xem căn phòng đặc biệt này. Những tưởng khách sạn Majestic được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, khách châu Âu sẽ tới nghỉ nhiều hơn; song, thực tế là tỷ lệ khách Nhật Bản chiếm cao nhất, từ 35-40% tổng lượt khách. Đây cũng là nơi lưu trú có đông khách Nhật Bản tìm đến nhất tại TP.HCM.
“Trước dịch, khách Nhật tìm đến phòng 103 rất đông. Nếu có người đã đặt phòng ở trước thì khách đến sau sẽ xin phép được đi tham quan phòng. Hiện, chúng tôi vẫn lưu giữ những hình ảnh lịch sử trong như cũ, thời nhà văn từng ở”, đại diện khách sạn thông tin.
Được xây dựng từ năm 1925, Majestic cũng chính là khách sạn cổ thứ nhì ở TP.HCM. Ngoài Takeshi Kaiko, khách sạn cũng từng đón nhiều nguyên thủ quốc gia, người nổi tiếng như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, công chúa Thái Lan Maha Chakri, đương kim Nhật hoàng Naruhito đến đây từ khi còn ở cương vị Thái tử,...
Một số hình ảnh về căn phòng khách sạn đặc biệt số 103:
Bên ngoài căn phòng số 103, có biển tên bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh về nhà văn Takeshi Kaiko (ảnh: Trần Chung)
Căn phòng có diện tích không quá lớn nhưng được du khách Nhật Bản đặc biệt quan tâm (ảnh: Trần Chung)
Đồ đạc trong phòng được khách sạn lưu giữ qua nhiều năm, trong đó có chiếc điện thoại bàn cổ (ảnh: Trần Chung)
Tiểu thuyết gia nổi tiếng Nhật Bản ở tại căn phòng này từ năm 1964-1965 (ảnh: Trần Chung)
Ước tính, cả nghìn khách Nhật tò mò ghé thăm căn phòng 103 mỗi năm (ảnh: Trần Chung)
Bên ngoài khách sạn, nơi có căn phòng đặc biệt (ảnh: Trần Chung)