Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600 m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356 km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.
Giá trị địa chất
Theo khảo sát của các nhà khoa học ở Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản thì cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua tất cả các giai đoạn phát triển của vỏ trái đất, từ Đại cổ sinh, Đại trung sinh đến Đại tân sinh với 13 hệ tầng địa chất đã được phân chia, bao gồm Chang Pung, Lut Xia, Si Ka, Bắc Bun, Mia Lé, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Hồng Ngài, Sông Hiến và Lân Pảng, trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại khoảng 540 triệu năm.
Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được ở Đồng Văn 139 biểu hiện Di sản địa chất (DSĐC) thuộc đủ loại, trong đó có 15 DSĐC cấp quốc tế, 68 cấp quốc gia và 56 cấp địa phương. Tại các trầm tích đá có tuổi khác nhau ở Đồng Văn, các nhà cổ sinh vật cũng đã phát hiện rất nhiều hóa thạch thuộc 19 nhóm: Tay cuộn, San hô vách đáy, San hô 4 tia, Lỗ tầng, Bọ ba thùy, Cá cổ, Trùng lỗ, Vỏ nón, Răng nón, Chân rìu, Chân bụng, Chân đầu, Động vật dạng rêu, Huệ biển, Vỏ cứng, Giáp xác cổ, Thực vật thủy sinh, Tảo cổ và Chitinozoa. Các cổ sinh vật hóa thạch này đã giúp các nhà khoa học hoàn chỉnh bức tranh lịch sử phát triển địa chất vùng cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và địa chất khu vực đông bắc Việt Nam – nam Trung Quốc nói chung.
Khí hậu
Do địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh nên khí hậu cao nguyên đá mang nhiều sắc thái ôn đới và chia làm 2 mùa: mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4). Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24-28ºC, mùa đông nhiệt độ có khi xuống tới -5ºC. Đến Đồng Văn đẹp nhất là vào mùa Xuân, khi hoa cải rực vàng chân núi, hoa đào đỏ thắm những mái ngói rêu phong.
Đường đến cao nguyên đá
Từ TP. Hà Giang, đi theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ; tiếp tục theo con đường này qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn, du khách sẽ lần lượt tới các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc để khám phá cao nguyên đá.
Giá trị địa mạo
Các hoạt động kiến tạo địa chất đã chia cắt cao nguyên đá Đồng Văn thành các khối tảng và sự chuyển động phân dị mạnh mẽ đã tạo ra chênh lệch địa hình lên đến cả ngàn mét, hình thành nên các hẻm vực, đặc biệt ở các khu vực đá vôi. Trong số những hẻm vực karst ở Đồng Văn, hẻm Tu Sản trên sông Nho Quế là đẹp và hùng vĩ nhất. Ở vị trí đèo Mã Pì Lèng bên hẻm Tu Sản có thể quan sát thấy những nếp uốn kỳ diệu của đá vôi tuổi Devon.
Do cao nguyên Đồng Văn có sự đa dạng địa chất cao cùng với sự thay đổi của khí hậu nên quá trình tiến hóa karst đã tạo ra các “vườn đá”, “rừng đá” rất đa dạng và phong phú như: vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) có các chóp đá hình bông hoa, nụ hoa, nhành hoa muôn hình muôn vẻ; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc) có các chóp đá, tảng đá, tháp đá hình rồng cuộn, hổ ngồi…; vườn đá Vần Chải (Đồng Văn) có các phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông tựa như đàn hải cẩu hàng nghìn con nằm nghỉ trên bãi biển... Tuy nhiên, những dãy núi có dạng kim tự tháp đỉnh nhọn, sườn dốc nối tiếp nhau cao ngất trời mới là phổ biến nhất, tạo cho cao nguyên đá Đồng Văn một sự uy nghi hùng vĩ. Hệ thống hang động trên cao nguyên đá Đồng Văn cũng là sản phẩm của quá trình tiến hóa karst và là những điểm tham quan du lịch rất kỳ thú như: hang Rồng ở Sảng Tủng (Đồng Văn), hang Khố Mỷ ở Tùng Vài (Quản Bạ), động Én ở Vần Chải (Đồng Văn)…
Giá trị sinh thái
Cao nguyên đá Đồng Văn còn được các nhà khoa học đánh giá là vùng có hệ địa – sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng. Quần xã rừng nguyên sinh ở đây còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều gỗ, lâm sản và các loài thuốc quý như: nghiến, thông đỏ, dẻ tùng sọc nâu, đỉnh tùng, thông tre lá ngắn, hoàng đàn rủ… Đặc biệt, trên những hoang mạc đá ở cao nguyên Đồng Văn có tới trên 40 loài lan, điển hình là lan hài. Cao nguyên Đồng Văn còn là môi trường sống của các loài động vật hoang dã với trên 50 loài thú, chim, bò sát như: sơn dương, voọc mũi hếch, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, sóc, gà rừng, chim, khướu, hoạ mi… tạo nên nét đẹp tự nhiên, sinh động của vùng cao nguyên đá.
Giá trị văn hóa
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của 17 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, thể hiện ở những lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng) của dân tộc Tày, Nùng; lễ hội Cấp Sắc (lễ trưởng thành) của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào (hội chơi đồi hay hội chơi núi) của dân tộc Mông...
Và có lẽ những phiên chợ vùng cao chính là nơi chứa đựng không gian văn hóa đậm nét nhất của đồng bào các dân tộc. Chợ thường họp mỗi tuần một lần vào sáng sớm những ngày cuối tuần. Những phiên chợ Phó Bảng, Đồng Văn, Lũng Cú, Sà Phìn… ồn ào, náo nhiệt như chìm trong sắc màu thổ cẩm rực rỡ từ trang phục của những chàng trai, cô gái dân tộc Nùng, Dao, Mông, Lô Lô… Ngoài việc trao đổi, buôn bán hàng hóa, người dân vùng cao đến chợ còn để trò chuyện tâm tình hay hẹn hò gặp gỡ. Chính vì vậy, chợ phiên đã trở thành nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Giá trị khảo cổ
Kết quả khai quật khảo cổ ở Đồng Văn đã minh chứng đây là một trong những địa điểm lưu giữ dấu vết văn hoá thời tiền sử. Các nhà khảo cổ đã phát hiện trên cao nguyên đá 2 di chỉ thuộc thời đại đồ đá cũ là Cán Tỷ (Quản Bạ) và Phó Bảng (Đồng Văn) cùng 2 di chỉ thời đại đồ đá mới ở Bạch Đích và thị trấn Yên Minh (Yên Minh). Ngoài ra, cặp trống đồng cổ mà đồng bào dân tộc Lô Lô ở Đồng Văn đang cất giữ là di vật tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2000 năm.
Với những giá trị đặc sắc, nổi bật, ngày 3/10/2010, tại Lesvos (Hy Lạp), Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) đã chính thức công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu. Như vậy, Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á (sau công viên Langkawi của Malaysia) được tổ chức GGN công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Điểm tham quan
- Cột cờ Lũng Cú - Đèo Mã Pì Lèng - Vườn đá Khau Vai - Hang Khố Mỷ
- Dinh họ Vương - Làng văn hóa – du lịch Lũng Cẩm Trên - Chợ tình Khau Vai
- Núi Đôi Quản Bạ - Phố cổ Đồng Văn
Thông tin cần biết
Đặc sản: Vào các dịp chợ phiên vào chủ nhật (chợ phiên Đồng Văn; chợ phiên Mèo Vạc…) du khách có thể thưởng thức các món như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, bánh ngô, thịt gà, thịt bò khô, rau cải mèo, măng nứa, thắng cố, thịt hun khói và lạp sườn hun khói, rượu ngô…
Đồ lưu niệm
Du khách có thể mua sắm các sản phẩm lưu niệm truyền thống như: thổ cẩm, vải lanh, các đồ trang sức,… tại các làng văn hóa, làng nghề truyền thống, các điểm tham quan, chợ phiên… trên cao nguyên đá.
Những điều cần chú ý khi tham quan cao nguyên đá:
- Trang phục gọn gàng, giầy đế thấp êm nhẹ (hoặc giầy thể thao) và tất mềm, trang phục giữ ấm vì thời tiết càng về đêm càng lạnh.
- Hành lý gọn gàng, không cồng kềnh để tiện di chuyển.
- Nên trang bị điện thoại có hệ thống google map, dùng mạng Vina, Viettel, Mobi.
- Chuẩn bị sẵn túi thuốc cá nhân dùng cho các bệnh thông thường do khí hậu lạnh.
- Mang theo tiền mặt vì có rất ít ATM tại trung tâm các thị trấn.
- Đổ đầy bình xăng trước khi xuất phát vì cây xăng chỉ tập trung tại các thị trấn.
- Nếu có dự định dã ngoại qua đêm trong rừng thì phải chuẩn bị thêm bộ lều dã ngoại, nồi nấu đa năng...
- Đảm bảo an toàn cho người già và trẻ em khi xe dừng dọc đường
- Chú ý tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.
- Không xâm phạm hang động và cảnh quan môi trường xung quanh như bẻ nhũ đá…
Hướng dẫn tham quan Cao nguyên đá
Quý khách cần hướng dẫn viên phục vụ trong suốt hành trình tham quan hoặc thông tin liên quan đến công tác quản lý, khai thác, phục vụ du lịch trên cao nguyên đá xin liên hệ với Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
BQL Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Địa chỉ: Tổ 16, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang
Điện thoại: (84-219) 3860 393
Email: hagianggeopark@gmail.com
Website: http://dongvangeopark.com/