Nếu chỉ có một ngày ở Huế, có lẽ du khách sẽ phân vân khi nghĩ nên ăn gì? Không phải vì Huế có ít đồ ăn mà là vì nơi đây có quá nhiều thứ để lựa chọn. Bước ra phố, tạt vỉa hè, chui vào hẻm… đều gặp quán ăn. Tới Huế, dĩ nhiên không phải chỉ để ăn. Nhưng những ai chưa nếm thử ốc Huế có đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng... cũng đáng tiếc như tới Hà Nội mà chưa ăn phở vậy.
Hầu hết các món ăn ở Huế đều có vị cay. Nhưng cay đến... điếc tai mà vẫn mê thì phải nói đến ốc Nam Giao với bát nước chấm đỏ rực. Không giống ốc ở những nơi khác, ốc Nam Giao có đầy đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng. Một chút cay của tiêu, ớt, một chút nồng và thơm của gừng sả; một chút mặn mà của nước mắm và một chút ngọt tiết ra từ thịt ốc... Tất cả làm nên một món ăn vừa ngon vừa thơm mà chỉ cần người phục vụ vừa mới bưng ra là thực khách bị quyến rũ ngay.
Ốc Nam Giao có hai món: ốc hút và ốc bươu, mà người Huế thường gọi là ốc nhỏ và ốc to. Ốc thường được ăn kèm với chén nước mắm gừng, tỏi, ớt cay, đĩa rau sống tươi ngon có thêm vài lát vả, dưa leo và chuối chát. Thêm vào đó là món bánh tráng giòn tan hoặc bánh phồng tôm chiên giòn. Mỗi lần ăn xong, ai nấy đều hít hà vì ngon, vì cay và vì nóng.
Tuy ốc thuộc vào loại thức ăn mát (tính hàn), dễ gây đau bụng, nhưng món ốc Nam Giao lại được chế biến một cách cẩn thận để loại trừ yếu tố đó. Ốc được ngâm 3 lần qua nước muối, nước gạo, nước sạch để loại đi chất bẩn.
Thêm vào đó là các gia vị ớt, gừng… thuộc loại nóng (tính nhiệt) có tác dụng giảm đau bụng. Đặc biệt, ốc được nấu chín kỹ nên rất an toàn.
Là một thành phố nổi tiếng về du lịch, Huế ngày càng đa dạng và đặc trưng hơn trong phong cách ẩm thực. Nhưng món ốc Nam Giao với nguyên liệu dân dã, cách chế biến không quá cầu kỳ, rẻ tiền… thu hút rất nhiều đối tượng từ học sinh, sinh viên, người lao động bình dân đến những người sành điệu và cả du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: Dulichhue