Doanh nghiệp du lịch từng hy vọng tháng Tư kinh tế phục hồi. Nhưng, mọi việc không như dự tính, quý II khó khăn có thể còn gấp bội...
Ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề do dịch Covid-19. Ảnh minh họa - Nguồn: Zing
Với dịch bệnh Covid-19, du lịch là ngành đầu tiên chịu tác động tiêu cực. Đến khi dịch qua, kinh tế phục hồi thì đây cũng là ngành "xếp hàng" sau cùng chờ động lực, vì trước hết các ngành khác phải từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, người dân dần ổn định đời sống rồi mới tính đến du lịch.
Tốc độ tăng trưởng liên tiếp của ngành du lịch trong 3 năm qua đang bị bẻ gãy.
Năm 2020, du lịch Việt Nam từng đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa với kỳ vọng tổng thu đạt hơn 830.000 tỷ đồng. Mục tiêu này đã bị dịch bệnh Covid-19 hủy hoại.
Đón nhận khó khăn này, một số CEO trong ngành có những góc nhìn và dự định khác nhau, khi trò chuyện với BizLIVE.
"Xem đây là cơ hội sắp xếp lại trật tự thị trường"
Kết thúc quý I/2020, doanh thu của Du lịch Lửa Việt giảm hơn 60% so với năm ngoái.
Cách đây khoảng một tháng, khi chưa có ca 17, chúng tôi hy vọng cuối tháng Tư thị trường sẽ phục hồi được. Tuy nhiên, đến nay thì tất cả các ngành kinh tế đều bị tác động ảnh hưởng quá nhiều và ngành du lịch không thể “cựa quậy”. Lửa Việt vẫn cố gắng duy trì các hoạt động đến cuối tháng Ba, dù rằng lúc đó cũng đã cắt giảm 45% nhân sự.
Thị trường chính của chúng tôi là nội địa và Đông Bắc Á, Đông Nam Á nên thiệt hại nặng nề khi khu vực này bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, chúng tôi tập trung lo cho nhân viên được chút nào hay chút đó. Nếu ai có nhu cầu sử dụng tài sản của công ty, có khả năng tự kinh doanh thì công ty cho mượn như cho sử dụng đội xe, hỗ trợ mặt bằng…
Chúng tôi cố gắng duy trì một phần các bộ phận điều hành dịch vụ, kinh doanh, kế toán, pháp chế để còn làm việc với các nhà cung cấp, chia sẻ thông tin với khách hàng để cùng giảm thiểu thiệt hại cho các bên.
Trong dịch bệnh Covid-19, du lịch là ngành thiệt hại trước nhưng lại phát triển sau, khi cuộc sống ổn định thì các nhu cầu du lịch mới phát triển. Du lịch sẽ là ngành phục hồi sau cùng khi các ngành kinh tế khác hồi phục, độ trễ khoảng vài tháng.
Trước mắt, chúng tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ cho tương lai, sau dịch bệnh sẽ thế nào là câu hỏi lớn. Sau mỗi biến cố chúng ta sẽ học được nhiều bài học. Thế giới sẽ thay đổi vô cùng, không còn như trước nữa, từ chuỗi cung ứng, thói quen tiêu dùng, hành vi ứng xử, cách thức cạnh tranh…
Chúng ta có thể nhìn nhận đây sẽ là cơ hội sắp xếp lại trật tự thị trường, doanh nghiệp có thể bắt kịp đối thủ khi có chiến lược tái cấu trúc hợp lý, tìm ra các phương án thích ứng để phòng trừ khi rủi ro tương tự xảy ra…
"Cần tạo được làn sóng xúc tiến du lịch mạnh mẽ và đủ sức hấp dẫn"
Trước khi có bệnh nhân 34 chúng tôi đã họp bàn, triển khai và lần đầu tiên công bố một chương trình kích cầu du lịch, có sự chung tay của cơ quan quản lý, doanh nghiệp đó là chương trình “Oh wow! Mui Ne” nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến Bình Thuận trong năm 2020 và đến năm 2022.
Chúng tôi đã rất mong chờ và hy vọng chương trình sẽ có hiệu quả vì khoảng tháng Tư là kinh tế có thể phục hồi được. Thế nhưng mọi việc không đúng như kế hoạch.
Diễn biến của dịch ngày càng phức tạp. Ngày 15/3, Chính phủ đã cấm các chuyến bay từ nước ngoài về nên những khách châu Âu còn sót lại vẫn còn ở lại Bình Thuận. Từ giữa tháng đến cuối tháng Ba là khách rút về hết. Cuối tháng Ba du lịch Bình Thuận tê liệt toàn bộ. Và vì thế chương trình quảng bá “Oh wow! Mui Ne” cũng phải tạm dừng. Các doanh nghiệp du lịch ở Bình Thuận đều đã đóng cửa từ 1/4.
Đối với Hoàng Ngọc Resort, chúng tôi cố gắng sắp xếp công việc để nhân viên làm việc xoay vòng và hưởng 40-50% lương. Chúng tôi cũng đưa ra lựa chọn nếu ai muốn xin nghỉ việc để hưởng lương trợ cấp thất nghiệp thì sẽ hỗ trợ một phần tiền khi họ quay trở lại làm việc.
Dịch Covid-19 không như các dịch khác mà chúng ta đã trải qua. Du lịch là ngành rất nhạy cảm, luôn là lựa chọn ưu tiên sau cùng trong các nhu cầu của con người. Tôi làm trong ngành này đã lâu, trải qua các cuộc khủng hoảng từ dịch SARS năm 2003, khủng hoảng kinh tế năm 2008, khủng hoảng giá dầu năm 2011… đều gây ra khủng hoảng cho ngành du lịch.
Covid-19 xuất hiện đến nay cũng gần 4 tháng rồi mà chưa có dấu hiệu dừng lại, kéo theo rất nhiều hệ lụy. Thông thường mùa hè sẽ là mùa du lịch của khách nội địa, nhưng chắc chắn năm nay không có nghỉ hè. Học sinh sẽ phải học xuyên mùa hè luôn.
Tháng 9-10 là tháng thấp điểm của Mũi Né. Tháng 11 trở đi sẽ là mùa của khách châu Âu.
Thông thường đến những tháng này là chúng tôi chốt xong những booking (đơn đặt hàng) cho cuối năm, thế nhưng hiện nay các booking cho đến cuối năm vẫn trống.
Tôi cho rằng, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, khách châu Âu sẽ lựa chọn các thị trường gần họ hơn là lựa chọn Việt Nam. Ví dụ, khách Nga sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ; khách Mỹ, Canada sẽ sang Mexico, Cuba... vì bay gần hơn, chi phí vé máy bay sẽ rẻ hơn.
Nếu suy nghĩ lạc quan nhất thì tôi cho rằng phải đến cuối năm sau khách châu Âu mới quay trở lại bình thường như trước dịch, còn khách nội địa thì cũng phải đến hè năm sau.
Để có thể nhanh chóng phục hồi, vực dậy sớm hơn dự định, rất cần có những chương trình xúc tiến du lịch quốc gia mạnh mẽ, tạo thành làn sóng đủ sức hấp dẫn, trong đó có sự chung tay của nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
"Các thói quen thay đổi và những chuẩn mực mới sẽ xuất hiện"
Thế giới sẽ phục hồi, tuy nhiên nó sẽ thay đổi và không bao giờ như trước đây. Chúng ta đã được trải nghiệm và thấy rằng thế giới có thể làm việc tại nhà, các thói quen thay đổi và những chuẩn mực mới sẽ xuất hiện.
Nền kinh tế sẽ phục hồi, nhưng điều này mất bao lâu còn chưa biết vì giờ chưa biết khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc. Hơn nữa, nó sẽ không dựa trên quyết định của một Chính phủ mà là của cả thế giới khi chúng ta dỡ bỏ các hạn chế di chuyển và đi lại được tự do.
Thói quen chi tiêu của mọi người sẽ tăng lên khi tình hình phong tỏa trên toàn thế giới được dỡ bỏ, cuộc sống sẽ sớm ổn định và những chuẩn mới sẽ trở thành hiện thực.
Với ngành du lịch, tôi nghĩ sẽ cần thời gian lâu hơn để phục hồi và trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung vào chính thị trường du lịch trong nước hơn là du lịch nước ngoài. Đây không phải là một điều tệ, nhiều người đã không thực sự khám phá tại đất nước của họ và đây có thể là một niềm vui cho nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam với dân số lớn.
"Quý II này khó khăn sẽ gấp bội phần"
Gần 30 năm gắn bó với ngành du lịch và đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh khó khăn “ập đến”. Quý II này khó khăn sẽ gấp bội phần.
Tại Việt Nam, mọi người dân, doanh nghiệp đều đang phải tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Giãn cách giữa người với người thực hiện không chỉ ở khu vực công cộng, ở doanh nghiệp, trong gia đình mà đã rơi vào ngăn cách giữa các quốc gia.
Hiện nay, các chuyến bay đều dừng hoạt động, khách quốc tế không vào Việt Nam và ngược lại. Doanh nghiệp khách sạn như chúng tôi dừng hoàn toàn.
Hiện chỉ còn biết cố gắng cầm cự, cố gắng giải quyết tốt nhất có thể cho cuộc sống hằng ngày của người lao động, bộ phận nào giữ lại được người thì tranh thủ tổ chức công tác đào tạo, củng cố nội bộ, để có thể sẵn sàng làm việc gấp hai lần bù đắp lại.
Gói hỗ trợ của Chính phủ nhắc đến ưu tiên nhiều cho lĩnh vực du lịch, chưa hưởng lợi gì ngay lúc này nhưng cũng là động viên. Dù là được giảm thuế, giãn nợ, giảm lãi suất… cái gì cũng tốt đối với doanh nghiệp trong bối cảnh này. Nhưng giãn, giảm thì có nghĩa là được trả chậm, vẫn phải nộp nay mai nên quan trọng là làm thế nào để tồn tại tiếp trong nay mai.
Có “một cửa” chúng tôi đang kỳ vọng nhất là những vị khách yêu thích đi du lịch sau thời gian nhiều tháng bị "chồn chân". Đặc biệt là khách châu Âu. Điều này, cũng có thể khiến năm nay mùa du lịch inbound (du lịch nước ngoài) sẽ đến sớm hơn.
"Chỉ có tiêu dùng của người dân mới tạo ra dòng tiền"
Theo tôi điều quan trọng nhất là trong thời gian này chúng ta phải tập trung vào việc tính toán sau dịch sẽ là gì. Chúng ta sẽ làm gì để hồi phục nền kinh tế. Doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu các kịch bản, các tình huống để đưa ra chiến lược cho thời gian tới. Mỗi cá nhân đều phải suy nghĩ thay đổi thói quen, cách ứng xử mới.
Đây cũng là một cuộc sàng lọc các doanh nghiệp rất lớn. Không phải cứ doanh nghiệp lớn mà có thể duy trì ổn định được. Các mô hình công ty gia đình nhỏ sẽ ứng phó thích nghi nhanh hơn, sau dịch có thể tái khởi động, tìm được chỗ đứng mới trong chuỗi cung ứng.
Các công ty lớn có khi gặp khó khăn hơn, buộc phải mổ xẻ và tái cấu trúc lại, ra được những sản phẩm dịch vụ, hướng đi phù hợp thì mới tái hòa nhập được, còn không thì dễ bị out ra khỏi chuỗi cung ứng.
Mấy năm gần đây, du lịch Việt Nam phát triển rầm rộ, một phần nhờ vào lượng lớn khách du lịch Trung Quốc đến và sự bùng nổ của hàng không giá rẻ. Khi khủng hoảng xảy ra, hàng không giá rẻ lại là hứng chịu đầu tiên. Đã có những hãng hàng không giá rẻ trên thế giới phá sản.
Thế giới sau dịch sẽ không quay trở về được như trước, mà là một cú RESTART, một khởi đầu mới dựa trên những điều kiện mới, phiên bản mới.
Sau dịch, hành vi và thói quen sẽ thay đổi. Xu hướng du lịch cũng thế, yếu tố sức khỏe sẽ được quan tâm nhiều hơn, chi phí du lịch có thể sẽ tăng cao hơn, doanh nghiệp và khách du lịch sẽ phải quan tâm hơn đến visa y tế, bảo hiểm du lịch,…
Những hỗ trợ của Chính phủ thông qua các gói giãn, giảm nợ... là cần thiết, bên cạnh đó cũng rất trông chờ gói kích cầu bằng tiền. Tuy nhiên các hình thức kích cầu được thực hiện như thế nào quan trọng hơn. Phải tạo ra cho người dân niềm hứng khởi mới thì người dân mới có nhu cầu tiêu dùng. Chỉ có tiêu dùng của người dân thì mới tạo ra dòng tiền.