Từ khi rời khỏi ghế nhà trường, ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) như đã được định mệnh se duyên và gắn kết cuộc đời với công ty này - nơi ông đang và sẽ tiếp tục truyền lửa đam mê cống hiến.
Định mệnh
Vốn là dân chuyên toán với những giải toán quốc gia, rồi thành sinh viên ngành điện của Trường đại học Cơ điện Bắc Thái, đam mê nghiên cứu và sáng tạo đã dần ngấm vào máu của ông, để đến khi đi làm, đam mê đó đã tạo ra những đóng góp thật sự hữu ích.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trường về Nhựa Tiền Phong làm việc. Khi đó, theo quy trình thì những kỹ sư trẻ sẽ được đưa xuống các phân xưởng để tích lũy kinh nghiệm thực tế rồi quay về phòng kỹ thuật. Nhưng đúng lúc ông được quay về thì phân xưởng I, phân xưởng lớn nhất của công ty thời bấy giờ, nơi ông được cử xuống thực tế, lại cần một quản lý mới thay thế người đã về hưu, mà ông thì đáp ứng được tiêu chuẩn. Việc cần người, nên ông đã không ngần ngại ở lại.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Trường.
Chính quá trình làm việc tại đây đã cho ông một cách nhìn rất thực tế trong công việc. Cùng với óc phán đoán, suy luận logic của mình, ông nhìn ra những hạn chế trong quy trình sản xuất và liên tục đưa ra những cải tiến kỹ thuật để làm lợi cho Công ty. Cũng nhờ những đóng góp ấy, năng lực, sự tận tâm với công việc của ông đã được lãnh đạo Công ty ghi nhận. Lần lượt các vị trí quản lý từ Phó quản đốc, Quản đốc phân xưởng, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Phó tổng giám đốc kinh doanh, Phó tổng giám đốc thường trực đã được giao cho ông. Đến năm 2013, ông được Hội đồng Quản trị tín nhiệm giao đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của Nhựa Tiền Phong.
Ngồi ở vị trí điều hành một doanh nghiệp có doanh thu cả ngàn tỷ đồng, phải đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, ông đã không phụ lòng tin của các cổ đông, của Hội đồng Quản trị và gần 1.300 người lao động. Công ty vẫn tăng trưởng đều từ 10 - 25%/năm. Và với tổng doanh thu năm 2016 hơn 4.360 tỷ đồng, Nhựa Tiền Phong tiếp tục giữ vững vị trí là nhà sản xuất sản phẩm ống nhựa lớn nhất Việt Nam.
Trong 3 năm ông nắm giữ vị trí CEO, Nhựa Tiền Phong đã ghi những dấu ấn mới. Trong đó, mới đây nhất, trong dịp kỷ niệm 56 năm thành lập Công ty, những mét ống HDPE DN 2.000 thành phẩm đầu tiên đã được đưa ra thị trường. Đây là thành quả của việc thực hiện kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE DN 2000 từ năm 2014. Là 1 trong 8 dây chuyền có thể sản xuất ống nhựa HDPE có đường kính đến 2.000 mm trên thế giới, Nhựa Tiền Phong trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và châu Á đầu tư các dây chuyền hiện đại này để phục vụ các công trình trọng điểm về cấp thoát nước.
Bận rộn với những công việc thuộc trách nhiệm của một CEO, nhưng ông vẫn đam mê với chuyên môn của mình. Trong thời gian này, đã có rất nhiều sáng kiến của ông được áp dụng để đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất, giúp Công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm. Đó là việc áp dụng hệ thống trạm trộn nguyên liệu bột PVC tự động hóa, đã làm lợi cho Công ty hơn 30 tỷ đồng. Hay sáng kiến kiểm soát việc vận chuyển thông qua hệ thống giám sát định vị, giúp Công ty tiết kiệm được cước phí vận chuyển lên đến 11 tỷ đồng mỗi năm.
Biểu tượng về sự đam mê
Với ông, người lao động chính là gốc rễ của thành công. Chỉ cần nghe lời cảm ơn của ông dành cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong buổi tổng kết hoạt động của năm 2016, cũng đủ cảm nhận được điều đó. Ông nói: “Chúng ta tự hào vì chúng ta là thành viên trong đại gia đình Nhựa Tiền Phong. Chúng ta đã làm hết mình vì niềm cảm hứng đó. Và hôm nay, trong hội nghị này, tôi xin được nói lời cảm ơn”.
Môi trường xanh tại trụ sở Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Vậy nên, cách mà ông đã thực hiện để họ đam mê công việc và yêu Công ty là tạo cho họ một môi trường làm việc để họ có thể tự nuôi sống được bản thân và gia đình. Ở đó, mọi đóng góp của họ đều được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. “Hơn 50% tổng số người lao động tại Công ty đang được đóng thuế thu nhập cá nhân”, ông tự hào khoe.
Bản thân ông Trường hay nhiều cá nhân khác đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao của Công ty đều bắt đầu đi lên từ vị trí là nhân viên. Điều này đã minh chứng cơ hội phát triển của mọi người ở Nhựa Tiền Phong. Nhưng quan trọng nhất, theo ông, vẫn là phải truyền được lửa đam mê cống hiến, tạo lập trong họ một tình yêu tự nguyện dành cho Công ty. Để từ đó, mỗi sản phẩm được làm ra đều là những sản phẩm tốt nhất, bởi nó được làm bằng tình yêu và trách nhiệm với Công ty.
“Cho họ thấy được tương lai tươi sáng mà họ có thể có ở Nhựa Tiền Phong rồi, thì phải giám sát và đốc thúc họ, để họ nhanh trưởng thành và đóng góp được sớm và nhiều hơn cho Công ty”, đây là quan điểm của ông và lãnh đạo Công ty.
Mới đây, trong lúc trao đổi công việc với ông, câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn giữa chừng. Ông cho phép anh Trưởng phòng kỹ thuật vào gặp ông để gửi bản báo cáo về chuyến đi học tập thực tế tại công ty đối tác ở Nhật Bản - Tập đoàn Sekisui Chemical. Khi nhận bản báo cáo đó, ông đã quay sang nói với tôi rằng, ông mới cho tất cả các nhân sự ở vị trí trưởng phòng của Công ty đi thực tế, để họ được “nhúng” mình trong môi trường làm việc chuyên nghiệp và kỷ luật của Nhật Bản. Có như vậy, Nhựa Tiền Phong có thêm nhiều con người có trình độ, có tính kỷ luật cao và Công ty mới tiếp tục phát triển được.
Có thể thấy, những gì ông đã làm và những thành quả trong sự nghiệp ông đang có đã truyền cho những người lao động nơi đây một niềm tin, một khát vọng. Ông là tấm gương để chỉ ra cho họ cách đi đến thành công. 34 năm làm việc tại Nhựa Tiền Phong, ông đã trở thành một biểu tượng cho sự tận tụy, đam mê, không nề hà khó khăn, vất vả đối với công việc, sự phấn đấu và thành đạt trong sự nghiệp.
Triết lý “tâm” tạo “phúc”
Phòng làm việc của ông rộng, ngăn nắp, có cửa sổ lớn nhìn xuống khuôn viên tràn ngập màu xanh của Công ty và nổi bật lên là hai khung hình lớn treo chữ “Tâm” và chữ “Phúc”. Ngay sau lưng chỗ ông ngồi là chữ “Phúc” và phía bên tay trái là chữ “Tâm”. Ông từng bảo, chữ “Tâm” là gốc rễ, là tôn chỉ sống và làm việc của ông. Ông quan niệm, mọi thứ có được sẽ chỉ là phù du và không bền vững, nếu không được làm nên từ tâm niệm tốt. Dùng tâm để tạo đức, có đức thì phúc sẽ đến và theo đó là tài và lộc. Vì lợi lộc trước mắt mà dùng mọi thủ đoạn để đạt được thì sẽ chẳng bền lâu và không bao giờ thấy hạnh phúc.
Và ông cũng điều hành Nhựa Tiền Phong bằng chữ “Tâm” đó. Đấy là tâm với khách hàng, tâm với người lao động, tâm với các cổ đông. Cũng vì lẽ đó, mà khẩu hiệu “Chất lượng hay là chết” do cố Giám đốc Phạm Đức Chất đề ra từ những năm đầu Công ty chuyển đổi sang làm ống nhựa (cuối thập niên 80 của thế kỷ trước) vẫn được ông duy trì và thổi lửa tới mọi người lao động.
Ông gói gọn chữ “Tâm” của mình chỉ với khách hàng, với người của Nhựa Tiền Phong. Còn tôi thì nhìn thấy ẩn trong đó là chữ “Tâm” với đất nước. Bởi, làm ra những sản phẩm chất lượng “made in Vietnam”, do tâm và tài của con người Việt tạo ra và được đối tác Nhật có đến 65 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực công nhận, thì nếu chỉ có tâm với khách hàng và Công ty là chưa đủ.
Thu Lê