UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét không cho phép đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 tại khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang, vì tác động xấu đến môi trường.
Ảnh minh họa.
Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 công suất 80MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, gồm 2 hồ chứa: Hồ ở suối Say (Khu bảo tồn Kon Chư Răng, huyện Kbang, Gia Lai) và hồ chứa ở hồ Đắk Kron Bung (Bình Định).
Hồ chứa ở suối Say dẫn nước về hồ chứa Đắk Kron Bung thông qua hệ thống đường hầm để đưa đến nhà máy phát điện. Dự án thủy điện này đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ năm 2006 và được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên do quá trình lập dự án đầu tư đã không thỏa thuận được với UBND tỉnh Gia Lai nên dự án đến nay vẫn chưa được xây dựng.
Văn bản của UBND tỉnh Gia Lai nêu rõ: dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 sẽ gây ngập 265 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Cụ thể, nếu chuyển dòng nước từ sông Say sang hồ chứa Đắk Kron Bung sẽ làm cạn kiệt khoảng 10 km dòng suối Say vào mùa khô.
Nếu xây dựng hồ chứa suối Say thuộc dự án sẽ làm ngập, ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, rừng đặc dụng nguyên sinh cần bảo vệ nghiêm ngặt. Còn xây dựng đường hầm chuyển nước từ suối Say sang hồ Đắk Kon Bung sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái của cả khu vực đầu nguồn thượng sông Côn thuộc tỉnh Gia Lai.
Việc xây dựng Thủy điện Vĩnh Sơn 2 cũng gây ra nhiều hệ lụy không tốt và tác động lâu dài đến môi trường, hệ sinh thái và đời sống vùng hạ du. Vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai đa có nhiều văn bản kiến nghị Thủ tướng không cho phép đầu tư dự án này.
Theo ông Kpah Thuyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bài học đắt giá về thủy điện An Khê – Ka Nak vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống một bộ phận dân cư tỉnh Gia Lai. Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 cũng chuyển dòng nước sang sông Côn làm ảnh hưởng đến hạ lưu của sông Ba, nên tỉnh không đồng ý.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Trường, phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: Khu vực xây dựng thủy điện là rừng nguyên sinh rất quý, cần bảo tồn nguồn gien.
(Theo Báo Tiền Phong)