Báo cáo tháng 8 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng, việc đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao năm 2035.
Báo cáo nhấn mạnh, để đạt tỷ lệ học đại học bình quân tương đương các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tăng quy mô sinh viên lên 3,8 triệu, hơn gấp đôi quy mô năm học 2019-2020 là gần 1,7 triệu.
Việt Nam cần thực hiện cơ chế, chính sách đột phá để có các trường đại học tinh hoa tầm thế giới. Ảnh minh họa
Như vậy, giáo dục đại học Việt Nam cần cải cách sâu rộng, vừa tăng số lượng vừa tăng chất lượng, trong thời gian không dài.
Cơ chế đột phá để có đại học tinh hoa
Việt Nam cần thực hiện cơ chế, chính sách đột phá để có các trường đại học tinh hoa tầm thế giới làm đầu tàu kéo hệ thống đại học nước nhà. Các trường này sẽ đi tiên phong trong thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm kết nối trí tuệ Việt Nam với trí tuệ toàn cầu để giải những bài toán lớn, phức tạp của đất nước và nhân loại, dẫn dắt tiến trình nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, vạch lối chỉ đường để Việt Nam xác lập vị thế xứng đáng trên thế giới.
Đó cũng là nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao, tầng lớp chuyên gia lãnh đạo cao cấp trong mọi lĩnh vực xã hội, nhà quản trị có tầm nhìn và tri thức đẳng cấp thế giới. Đại học tinh hoa còn dẫn đầu trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây, blockchain, công nghệ tài chính, người máy tiên tiến… nhằm thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Đây là những công nghệ then chốt có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế to lớn, là cơ sở nền tảng cho sự bùng nổ của nền kinh tế số, công cuộc chuyển đổi số ở nước ta. Cần tập trung làm thật tốt 3 vấn đề lớn sau:
Một là, “đứng trên vai người khổng lồ” để “đi tắt đón đầu”, mời các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các nhà lãnh đạo, quản trị đại học hàng đầu thế giới đến làm việc, cộng tác và “truyền nghề”. Theo đó, các các giảng viên, sinh viên được làm việc cùng và học hỏi từ những người giỏi nhất, đây là con đường nhanh nhất để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, gia tăng kết nối với thế giới.
Đặc biệt, cần tuyển chọn kỹ lưỡng trên phạm vi rộng để có được các nhà lãnh đạo, quản trị đại học tài năng, đủ tầm dẫn dắt trường đạt chuẩn quốc tế, ngang tầm thế giới. Thực hiện thi tuyển cạnh tranh để tuyển chọn hiệu trưởng. Cơ chế tuyển chọn này cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và kết quả thi là tiêu chí duy nhất công nhận trúng tuyển.
Nếu nguồn trong nước chưa đáp ứng được thì nhất thiết phải chiêu mộ từ thế giới, tuyệt đối không “so bó đũa chọn cột cờ” bởi lẽ không thể có được đại học tinh hoa tầm thế giới nếu không có các nhà lãnh đạo, quản trị đại học tầm thế giới.
Khi thuê ngoài, cần có những ràng buộc và yêu cầu về “truyền nghề”. Cụ thể: Quản trị trường theo chuẩn quốc tế; Chỉ định và đào tạo người đủ năng lực để “truyền nghề”; Chuyển giao toàn bộ qui trình công nghệ quản trị cho người được lựa chọn kế nhiệm.
Tăng cường liên kết đào tạo với các đại học tầm thế giới, những trường giàu kinh nghiệm đào tạo và được thế giới công nhận về chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh việc quốc tế hóa, tiếp cận các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế để bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới, kết nối vào mạng lưới trí tuệ toàn cầu để có thể cung cấp các chương trình giáo dục, nghiên cứu và kinh doanh toàn cầu đa dạng và phong phú.
Hai là, tăng nhanh ngân sách công cho giáo dục đại học lên 0,8% GDP trước năm 2030 như đề xuất của WB. Việc phân bổ tài trợ, ngân sách cần dựa vào kết quả hoạt động của trường, không dàn trải, chia đều bình quân mỗi trường một ít mà cần lựa chọn và tập trung đầu tư tới ngưỡng để tạo đà và lực cho những đại học tinh hoa tiềm năng lớn nhằm nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế, ngang tầm thế giới để làm đầu tàu kéo.
Lập Quỹ chấn hưng giáo dục đại học Việt Nam. Nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, tiền thu hồi từ tham nhũng…
Ba là, đảm bảo cơ chế tự chủ đầy đủ được thực hiện trên thực tế và nhất quán. Trường cần được quyết định về chiến lược phát triển, sử dụng kinh phí, tuyển sinh, tiêu chuẩn học phí, vấn đề nhân sự và lương thưởng.
Việc này cần được thể chế hóa bằng các quy định rõ ràng và cụ thể. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT cùng các trường ký khung thỏa thuận về chính sách, định rõ phạm vi tự chủ, thỏa thuận kết quả hoạt động với các chỉ tiêu được lượng hóa… tập trung vào các vấn đề quan trọng như chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội và phát triển nhân sự - phòng ban, tư vấn cho Chính phủ.
Bộ thực hiện việc đánh giá để đảm bảo các trường sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện tốt mục tiêu phát triển. Kết quả đánh giá được sử dụng làm căn cứ để phân bổ tài trợ, ngân sách. Những trường đạt kết quả xuất sắc, vượt mức chỉ tiêu thì được cấp thêm ngân sách. Trường có kết quả kém, không đạt chỉ tiêu tối thiểu theo quy định thì bị giảm ngân sách tương ứng, hai năm liên tiếp không đạt thì bị cắt ngân sách cho đến khi đạt được chỉ tiêu tối thiểu.
Việc đánh giá kết quả được thực hiện hàng năm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả cần biểu thị bằng đồ thị với màu sắc bắt mắt, trực quan sinh động để cán bộ, sinh viên, nhân dân có thể thấy rõ hiện trạng của mỗi đại học đang phát triển hay thụt lùi so với kỳ trước trên mỗi tiêu chí.
Thiết lập đại học nghề 2 năm
Sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng kỹ thuật, dạy nghề, trung tâm nghề theo hướng bỏ bậc cao đẳng để thiết lập đại học nghề 2 năm với quy mô lớn có đủ nguồn lực và năng lực cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Đại học nghề đào tạo 2 hệ, hệ đại học 2 năm và hệ trung cấp 1 năm.
Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường, cần cải cách đột phá vào một số vấn đề cụ thể: Xây dựng khung chương trình chuẩn, giảm thiểu tối đa các môn học không liên quan trực tiếp tới chuyên môn nghề, chú trọng thực hành theo tỷ lệ học 20% lý thuyết, 80% thực hành, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; Đảm bảo có đội ngũ giảng viên giỏi và trang bị cơ sở vật chất, thực hành hiện đại.
Hệ thống đại học nghề nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo từ ngân sách nhà nước theo cơ chế cạnh tranh. Hằng năm, các đại học nghề bất kể công hay tư nhân muốn nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo ký bản thỏa thuận kết quả đào tạo với Bộ LĐ-TB-XH, thống nhất về những kết quả đào tạo cụ thể, thang đo và cách đo kết quả cũng như kế hoạch hành động cụ thể để hoàn thành. Những đại học nghề nào đạt kết quả xuất sắc thì được cấp nhiều kinh phí, những trường không đạt kết quả tối thiểu theo quy định thì cắt kinh phí hỗ trợ, sáp nhập vào đại học nghề có kết quả xuất sắc.
Như vậy, đại học nghề nào muốn nhận kinh phí hỗ trợ thì phải nỗ lực hết mình trong việc cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu của người học, doanh nghiệp, thị trường. Từ đó, đại học nghề sẽ trở nên hấp dẫn vì thời gian học nhanh, dễ kiếm việc, thu nhập tốt, đồng thời thỏa mãn tâm lý thích đại học của người Việt Nam.
Không truyền thống, không tuần tự
Cách mạng 4.0 mở ra cho cơ hội bắt kịp các nước phát triển, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 như Đảng và Nhà nước đề ra nhưng không thể đến đó bằng lối cũ kiểu cơi nới, tà tà tiệm tiến mà đòi hỏi cách tiếp cận mới đột phá, thần tốc “không truyền thống, không tuần tự”, có sự lựa chọn và tập trung cao độ cho các mục tiêu ưu tiên.
Cải cách, chấn hưng giáo dục đại học là chìa khóa để đạt mục tiêu trên. Đây là bài toán lớn rất phức tạp với nhiều thách thức gai góc. Bởi vậy, cơ chế, chính sách thuận lợi, đầu tư tới ngưỡng là rất cần thiết nhưng yếu tố con người là quyết định.
Điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, “đồng tâm hiệp lực”, “trên dưới một lòng” từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành cho tới hiệu trưởng, trưởng khoa, đội ngũ giảng viên. Có như vậy mới tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn để giáo dục đại học Việt Nam có vị thế xứng đáng trên bản đồ giáo dục đại học thế giới, xứng tầm với một đất nước có truyền thống hiếu học với lịch sử ngàn năm văn hiến.
Đây cũng là phép thử giới “sĩ phu” có hoàn thành sứ mệnh chấn hưng giáo dục đại học nước nhà mà lịch sử giao phó hay không. Bởi lẽ, nếu không phải giới “sĩ phu” Việt Nam thì là ai? Không phải lúc này thì khi nào?