Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc không chỉ nổi tiếng với những cung đèo hùng vĩ, ruộng bậc thang thơ mộng mà nơi đây còn được biết đến với những khu phố cổ, phiên chợ đậm chất vùng cao. Dưới đây là 6 địa điểm, bạn không nên bỏ qua khi có cơ hội du lịch ở Hà Giang.
Đèo Mã Pì Lèng – vua của các con đèo Việt Nam
Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là cung đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam.
Đèo dài 20km, uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Để làm con đường này đã có hàng chục nghìn nhân công từ khắp các tỉnh miền Bắc ngày đêm miệt mài đục đá, riêng đoạn qua Mã Pì Lèng được các thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường.
Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pì Lèng với 9 khúc quanh uốn bên vách đá dựng đứng, dưới là vực thẳm hun hút đã trở thành một kỳ tích được ví như một “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam.
Trên đỉnh đèo đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo, đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hi sinh, góp cả tính mạng mình làm nên con đường Hạnh Phúc.
Dinh thự “Vua Mèo” Vương Chí Sình
Cách thành phố Hà Giang 130 km về phía Bắc, Khu dinh thự Vương Chí Sình nằm ở thung lũng Sà Phìn là một công trình kiến trúc tinh xảo, độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước. Người dân Hà Giang vẫn quen gọi địa danh này với cái tên: Nhà Vương.
Nhà Vương là dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ Vương, dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn. Chủ nhân căn nhà là ông Vương Chính Đức (1865 – 1947). Hơn một thế kỷ trước, với nghề trồng và buôn thuốc phiện, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn và được bà con gọi là vua Mèo. Cho đến nay, người dân vẫn lưu truyền nhiều giai thoại hấp dẫn xung quanh nhân vật này.
Dinh thự nhà Vương được xây dựng không kể ngày đêm và thi công trong vòng 8 năm mới xong, tổng diện tích lên đến 1.120m2. Năm 2004, gia đình họ Vương quyết định cống hiến dinh thự này cho Nhà nước bảo tồn. Người bán vé, kiêm đảm nhận vai trò giới thiệu về dinh thự cho du khách là một người cháu gái họ xa của vua Mèo tên là Vương Thị Chở.
Thời điểm xây dựng dinh thự, nơi đây không hề có công cụ trợ giúp, đường sá thì hiểm trở vô cùng. Do đó, dinh thự hoàn toàn do đồng bào người Mông làm thủ công. Tất cả các vật liệu bằng đá đều do chính người dân nơi đây đục đẽo bằng tay rồi vận chuyển từ cách đó 7 km để xây nhà.
Được biết, số tiền cụ Vương Chính Đức thuê nhà thiết kế về đây mất rất nhiều, khoảng 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Pháp, tương đương với 150 tỷ đồng tiền Việt Nam.
Phố cổ Đồng Văn
Là một trong những điểm du lịch chính của Hà Giang, Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.
Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao.
Đến đây, bạn có thể đi khám phá khu chợ Đồng Văn, nơi giao thương buôn bán của các đồng bào dân tộc trong vùng hoặc ngồi nhâm nhi cà phê tại các quán cà phê trong phố cổ đều là những trải nghiệm rất tuyệt vời.
Làng văn hóa Lũng Cẩm – Bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”
Làng văn hóa Lũng Cẩm là một ngôi làng nhỏ nằm tại xã Sủng Là của huyện Đồng Văn. Giữa một vùng bát ngát của cao nguyên đá, Lũng Cẩm nhỏ bé và khác biệt hẳn, không phải là có những núi đá đặc trưng mà nơi đây ấn tượng với du khách bởi quang cảnh của một thung lũng nhỏ bé, nằm tại trung tâm của vùng cao nguyên rộng lớn này.
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì của Hà Giang đã được Bộ VH-TT&DL chính thức cấp bằng công nhận Di tích quốc gia vào năm 2012.
Tại Hoàng Su Phì, mùa lúa chín vàng thường vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Khi đó, màu xanh của mạ non ngày nào chuyển sang vàng rực rỡ. Từ trung tâm xã Bản Phùng có thể phóng tầm mắt khắp mọi hướng, đâu cũng là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, kéo dài từ làng này sang làng khác, từ đỉnh núi này sang núi nọ, trải dài xuống tận khe suối.
Hiện tại, chưa có tài liệu nào chính xác nhất về tuổi đời của ruộng bậc thang Tây Bắc, nhưng ước tính ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì đã có khoảng 300 năm, được khai phá, kiến tạo và mở rộng bởi công sức nhiều đời của những dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, trở thành một kiệt tác thiên nhiên do con người tạo nên. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình tại Hoàng Su Phì.
Núi đôi Quản Bạ
Cách thành phố Hà Giang 46km về phía Bắc, vượt qua dốc Bắc Sum cao ngất trong mây là du khách đã đến với cổng trời Quản Bạ. Đứng từ đây có thể ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn thơ mộng quanh năm mát mẻ được ví như “Đà lạt” của Hà Giang, đặc biệt được tận mắt chiêm ngưỡng Núi Đôi Quản Bạ tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng.
Du khách đến đây không khỏi ngạc nhiên với “tác phẩm nghệ thuật” mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng... "Núi Đôi" nổi tiếng đã tạo cho thung lũng Quản Bạ một cảnh quan độc nhất vô nhị hết sức hấp dẫn, một "Tòa Thiên Nhiên" giữa lòng thung lũng mang đầy huyền thoại, thu hút du khách gần xa đến chiêm ngưỡng.
Hiệp Nguyễn
(Dân trí)
Tổng hợp