Nhập khẩu mặt hàng ngô sau 11 tháng đầu năm 2016 đã đạt 7,64 triệu tấn với giá trị 1,51 tỷ USD tăng 13,4% về khối lượng và tăng 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Ảnh minh họa.
Báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng tháng thứ 5 liên tiếp do tất cả các nhóm hàng đều tăng. Tháng 11/2016, giá nhập khẩu tăng thêm 4,45% so với tháng trước và tăng 4,41% so với tháng 11/2015 tuy nhiên tính chung 11 tháng đầu năm 2016 giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu giảm 10,26% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cũng cho biết, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 11/2016 ước đạt 55 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2016 đạt 3,04 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 10 tháng đầu năm 2016 là Argentina, Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm thị phần lần lượt là 46%, 10,8% và 8,2%.
Các thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (tăng 54,8%), Trung Quốc (tăng 47,3%), Indonesia (tăng 7%). Các thị trường còn lại có giá trị nhập khẩu giảm trong đó Brazil giảm 50%, Ấn Độ giảm 29,4% và Hoa Kỳ giảm 18,5%; Thái Lan giảm 15,8%.
Cụ thể đối với từng mặt hàng như đậu tương, khối lượng nhập khẩu 11 tháng đầu năm đạt 1,34 triệu tấn với giá trị đạt 570 triệu USD, giảm 12,4% về khối lượng và giảm 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Mặt hàng ngô, sau 11 tháng khối lượng nhập khẩu đạt 7,64 triệu tấn với giá trị 1,51 tỷ USD tăng 13,4% về khối lượng và tăng 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Mặt hàng lúa mỳ, ước tính khối lượng nhập khẩu 11 tháng đạt 4,5 triệu tấn, giá trị đạt 948 triệu USD, tăng 95,2% về khối lượng và tăng 60,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng cho biết, năm 2016 dự tính Việt Nam sẽ sản xuất 17 triệu tấn thức ăn chăn nuôi nhưng chỉ chủ động được khoảng 60-65% nguyên liệu như ngô, cám gạo, sắn khô, bột cá.
Các loại thức ăn bổ sung khác vẫn phải nhập khẩu tới 98-99% như nguyên liệu premix, vitamin, axit amin, các chất phụ gia màu, mùi sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi với thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, các nước Châu Âu, Nhật Bản.
Trung tâm này nhận định thêm rằng, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế trong đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi mặc dù đã được nhà nước kêu gọi và khuyến khích.
Cụ thể, đầu tư vào lĩnh vực này vừa khó về công nghệ vừa phải chi phí lớn. Doanh nghiệp nội mặc dù đông hơn nhưng đang yếu hơn doanh nghiệp FDI về vốn, công nghệ cũng như thị phần.
Dẫn chứng về điều này, báo cáo cho biết, tại Việt Nam có 207 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong đó có 58 doanh nghiệp FDI và 149 doanh nghiệp nội với thị phần tương ứng 60%/40%. Trong số đó 5 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina, Lái Thiêu chiếm 23% thị phần, 5 doanh nghiệp FDI lớn nhất CP, Deheus, ANT, Jafa comfeed, Cargill chiếm 37% thị phần.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại kiến nghị các doanh nghiệp cần cân nhắc tính cạnh tranh về lợi nhuận và chất lượng để quyết định nhập khẩu hay đầu tư sản xuất bởi lẽ thị trường các nguyên liệu trên thế giới quá nhiều, đa dạng và giá không quá đắt.
Tâm An / BizLIVE