Số vốn 500 triệu USD mà Heineken dự kiến đầu tư tiếp vào Việt Nam trong 10 năm tới chỉ nhỉnh hơn một chút so với lợi nhuận hàng năm của tập đoàn này tại Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại La Hay (Hà Lan), Tổng Giám đốc toàn cầu của Công ty Heineken cho biết, công ty có mặt tại Việt Nam từ năm 1991, đến nay đã được 31 năm. Tổng đầu tư của Heineken vào Việt Nam đạt 1 tỷ USD. Trong vòng 10 năm tới, công ty dự kiến đầu tư tiếp 500 triệu USD tại Việt Nam.
Thực tế, con số 500 triệu USD này mới chỉ bằng 1/5 doanh thu mà Heineken Trading - công ty chịu trách nhiệm phân phối các sản phẩm bia và đồ uống Heineken - đạt được ở thị trường Việt Nam vào năm 2020 và cũng chỉ ngang bằng với lợi nhuận hàng năm của Heineken Việt Nam.
Doanh thu và lợi nhuận của Heineken "bỏ xa" Sabeco
Nhiều năm nay, thị trường bia Việt Nam được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn, đó là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Theo báo cáo của MBS, 4 hãng này chiếm tới 94,4%thị phần ngành bia Việt Nam năm 2021, trong đó riêng Heineken và Sabeco đã có tổng thị phần là 78,3%, áp đảo 2 hãng còn lại.
Tuy nhiên, Heineken cho thấy đã bỏ xa Sabeco về chỉ tiêu kinh doanh.
Trong 2 năm 2020 – 2021, Heineken đã vượt qua Sabeco trở thành thương hiệu bia nắm thị phần số 1 Việt Nam với 44,4%. Không chỉ vượt qua về thị phần, doanh thu của Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading) đang dần bỏ xa đối thủ là Sabeco Trading có vai trò tương tự Heineken Trading.
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Nghị định 100, doanh thu của Heineken Trading không những không giảm mà còn tăng nhẹ, đạt hơn 55.700 tỷ đồng. Những năm trước đó, doanh thu của Heineken Trading tăng trưởng rất mạnh, đạt gần 20% mỗi năm.
Còn Sabeco Trading ghi nhận doanh thu giảm hơn 7.000 tỷ đồng, còn 30.167 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của Sabeco đạt 27.961 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, khoảng cách về doanh thu giữa Heineken và Sabeco càng tăng thêm sau năm đầu đại dịch, chênh lệch doanh thu thương mại ở mức hơn 1 tỷ USD.
Không những vượt trội so với Sabeco về doanh thu, lợi nhuận ròng của Heineken cũng bỏ xa đối thủ. Năm 2020, Heineken Việt Nam lãi ròng 8.868 tỷ đồng, gần gấp đôi nếu so với lợi nhuận hợp nhất của Sabeco, 4.937 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận của Heineken Trading cũng ghi nhận mức gần 2.200 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp của Heineken Việt Nam duy trì trên mức 53% liên tục trong nhiều năm. Còn tại Sabeco, dù cải thiện mạnh mẽ khi về tay những ông chủ người Thái (ThaiBev), tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở mức 30%.
Một yếu tố khác khiến cho lợi nhuận của Heineken không bị sụt giảm trong năm đại dịch là nhờ giao dịch bán gần 26,4 triệu cổ phần Sabeco thu về 4.850 tỷ đồng. Giao dịch này có thể giúp Heineken Việt Nam ghi nhận một khoản lợi nhuận tài chính không nhỏ. Được biết, Heineken là cổ đông lớn tại Sabeco khi công ty này tiến hành IPO năm 2008.
Thị trường chính của Sabeco và Heineken đều ở miền Nam với lượng dân cư lớn, thu nhập cao và văn hóa “nhậu” đặc trưng. Trong đó, phân khúc chủ đạo của Sabeco là phân khúc phổ thông và cận cao cấp. Còn phân khúc chủ đạo của Heineken đa dạng hơn từ phân khúc cao cấp, cận cao cấp cho tới phổ thông, và chiếm lĩnh phần lớn thị trường phân khúc cao cấp.
Nguồn: MBS Research
Xu hướng phân phối bia thay đổi sau đại dịch Covid-19
Hoạt động phân phối bia và đồ uống có cồn được chia làm 2 kênh chính là on-trade và off-trade. Trong đó, off-trade gồm các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, minimart, những trang thương mại điện tử và kênh truyền thống như tạp hóa còn on-trade là là những kênh mà khách hàng đến mua và sử dụng ngay tại chỗ.
Tác động kép của đại dịch Covid và Nghị định 100 đã khiến xu hướng tiêu thụ bia từ on-trade chuyển sang off-trade , Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg và các hãng bia ngoại đều đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Trong giai đoạn đó, Heineken đã cho ra đời 2 sản phẩm mới để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, đầu tiên là Heineken 0.0 – bia không cồn, ít calo, được quảng cáo như một sản phẩm có thể thưởng thức tại mọi thời điểm trong ngày mà không phải lo ngại về luật cấm dùng đồ có cồn khi tham gia giao thông.
Tiếp đó, sản phẩm Bia Việt thuộc phân khúc phổ thông ra đời đánh vào tinh thần dân tộc Việt Nam, trở thành nhãn hiệu đại diện cho tài trợ cho Sea Games 31 và cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm phân khúc phổ thông quen thuộc của Sabeco.
Thị trường bia được dự đoán sẽ chỉ có thể quay về sản lượng tiêu thụ của thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019) bắt đầu từ năm 2023, do nền kinh tế chưa hồi phục hẳn gây áp lực lên thu nhập của người dân. Về triển vọng ngành bia, Euromonitor vẫn lạc quan khi dự phóng CAGR ngành bia Việt Nam giai đoạn 2021-2026 đạt 10%.