Cầm chiếc bánh nóng hổi trên tay đã thấy mùi thơm quyến rũ xộc vào tận mũi. Bóc lớp lá chuối bên ngoài, thấy lớp lá ngõa non đã chuyển sang màu vàng. Cắn nhẹ một miếng, thấy mùi thơm và vị ngon như xông lên tận óc.
Với mỗi du khách, được thưởng thức một món ngon ở nơi mình đặt chân đến là một ấn tượng khó phai. Với tôi, món bánh cá ở Ba Phương (TP Hà Giang) khiến tôi không thể nào quên…
Vỏ bánh và nhân bánh cá
Với người Tày Ba Phương (xã Phương Độ, xã Phương Thiện, xã Phương Tiến - TP Hà Giang) thì món bánh cá là một đặc sản, là niềm tự hào của người dân về ẩm thực quê hương mình.
Vào dịp cuối năm, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong xuôi, công việc đồng áng đã vãn, người dân bắt đầu tu sửa ao chuôm. Nhà nhà tháo ao lớn bắt cá. Người ta bắt hết cá để vét bùn, đắp lại bờ ao. Những con cá trắm bảy tám cân, những con cá chép màu nặng hai, ba cân được chuyển tạm lên ao nhỏ. Một phần cá được giữ lại để thả tiếp. Một phần được bán hoặc chuyển lên nhà bếp, phục vụ nhu cầu của gia đình. Qua vài ngày, ao được sửa xong, người ta chọn những con cá to, khỏe, đẹp thả lại xuống ao. Với nhiều người già nơi đây, mỗi ngày nhìn đàn cá to như thân cây chuối bơi lượn ở ao là một thú vui tao nhã.
Gói bánh bằng lá ngõa non và cho vào nồi hấp
Sau mỗi ngày lao động nặng nhọc, mọi người lại quây quần bên bếp lửa, nấu nướng. Cá được những người phụ nữ đảm đang chế biến thành nhiều món hấp dẫn. Cá ướp mẻ nướng khô. Lòng cá nấu mẻ chấm rau sống. Cá nấu măng chua thơm lừng… Và món không thể thiếu trong mỗi gia đình là món bánh cá.
Mỗi nhà sẽ chọn những con cá trắm to, khoảng bốn đến năm cân để làm nhân bánh. Cá được đánh vẩy, làm sạch. Người ta lọc thăn cá ra, sau đó thái từng lát thật mỏng. Ướp cá với nước mắm, mác khén (hạt tiêu rừng) và một ít nước măng chua. Vậy là đã xong phần nhân bánh.
Bánh đã được hấp chín
Vỏ bánh được làm bằng bột gạo nếp. Gạo nếp do người dân tự trồng cấy. Những hạt gạo nếp trắng, tròn đều và thơm phức được chọn lựa kỹ càng. Gạo được vo sơ qua, phơi nắng rồi mới đem đi nghiền. Bột đem về được đổ ra một chiếc nong lớn để hong cho nguội và tơi. Sau đó bột được nhào với nước lạnh, một chút tiêu và chút muối để thành vỏ bánh.
Một thứ không thể thiếu khi làm bánh cá là lá ngõa non. Chọn loại lá bánh tẻ, không non và cũng không già quá. Sau khi bánh được nặn xong, gói vào một lớp lá ngõa non. Ngoài cùng gói lá dong hoặc lá chuối.
Bánh được cho vào chõ đồ xôi, đồ khoảng hai mươi phút là chín.
Sau khi bánh chín, chủ nhà sẽ bày lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên và trời đất. Theo họ, thắp hương cúng để báo cho tổ tiên dòng họ biết một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thu hoạch được nhiều nông sản. Thắp hương cúng trời đất để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Sau đó bánh được chủ nhà đem mời hàng xóm, láng giềng lân cận, những gia đình đã luôn giúp đỡ gia đình mình trong những lúc tắt lửa tối đèn.
Và được bày ra đĩa thật hấp dẫn, thơm phức
Cầm chiếc bánh nóng hổi trên tay đã thấy mùi thơm quyến rũ xộc vào tận mũi. Bóc lớp lá chuối bên ngoài, thấy lớp lá ngõa non đã chuyển sang màu vàng. Cắn nhẹ một miếng, thấy mùi thơm và vị ngon như xông lên tận óc. Vị bùi của rau cải, dẻo của bột nếp, vị cay của tiêu, mùi thơm của nước măng chua và vị ngọt của cá quyện lẫn với nhau làm nên vị ngon khó cưỡng, khiến người ta cứ muốn cắn hết miếng này đến miếng khác. Và khi chỉ còn lại mảnh lá chuối trên tay, mới ngỡ ngàng mình đã ăn say mê và thích thú đến thế.
Nhiều du khách ban đầu cứ nghĩ bánh cá sẽ tanh nhưng hoàn toàn không phải thế. Cho dù bánh đã nguội từ lâu nhưng không hề có mùi tanh của cá. Người dân ở đây giải thích do nước măng chua đã khử đi mùi tanh của cá. Vì vậy, cho dù bánh có nguội thì bạn cũng cứ yên tâm thưởng thức, nhấm nháp trong miệng vị ngọt và thơm của bánh.
Tôi cứ ước ao, được trở lại vùng đất Ba Phương một lần, vào dịp cuối năm để ăn món bánh cá. Ngồi bên bếp lửa và nhấm nháp vị bánh rất riêng của vùng đất ấy. Còn bạn, nếu đến với Hà Giang, hãy thưởng thức một lần. Chắc chắn, bạn sẽ chẳng thể nào quên món bánh hấp dẫn này…
Lục Mạnh Cường / nld.com.vn