Hòa quyện với phong cảnh của sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền…, chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi tiếng nhất đất cố đô đã đi vào tâm thức của bao người dân, tô đẹp, gắn bó và là một bộ phận không thể tách rời của người dân xứ Huế. Chùa Thiên Mụ ở Huế không chỉ là chốn tâm linh bao đời nay của người dân địa phương, mà còn là nơi vãn cảnh hữu tình của nhiều người đến du lịch Huế. Thiên nhiên và kiến trúc ở đây hài hòa với nhau đến mức hoàn chỉnh. Với kiến trúc uy nghiêm cổ kính, với cảnh trí thanh thoát nên thơ, chùa Thiên Mụ có thể xem là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời của đất nước.
Đôi nét cổ kính chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ (còn có tên khác là chùa Linh Mụ) nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km, trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa Thiên Mụ là một trong những kiến trúc tôn giáo cổ nhất và thắng cảnh đẹp nhất ở Huế, nổi tiếng với 108 tiếng chuông ngày ngày giữ nhịp thời gian, mang theo từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ.
Chùa Thiên Mụ được dựng nên bắt nguồn từ một truyền thuyết. Chuyện kể rằng từ xa xưa, người dân địa phương nằm chiêm bao thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi nơi chùa tọa lạc ngày nay nói: Rồi sẽ có ngày chân một vị Chúa đến lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch, giúp nước Nam hùng mạnh. Hễ nói xong là bà biến mất. Sau khi vào trấn Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng một lần đi qua, nghe nói cả mừng, tự cho mình là chân Chúa, sai người cất dựng chùa, viết biển đề chữ Thiên Mụ Tự (Chùa Thiên Mụ).
Trước mặt chùa là khúc quanh rất hữu tình của dòng Hương Giang. Khuôn viên chùa được chia thành hai khu vực, khu vực trước cửa Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc như: bến thuyền đúc bê tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây xát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện, sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vời vợi, hai bên đình có hai lầu bia hình tứ giác, lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của Thiên Mụ, là một địa điểm không thể bỏ qua với mỗi du khách khi tới Huế.
Quang cảnh chùa nhìn từ cổng vào
Toàn cảnh chùa Thiên Mụ hài hòa cùng tự nhiên
Chùa không có nhiều tượng Phật như các chùa khác. Nhìn tổng quan, khuôn viên chùa như một cung điện, dinh thự của các bậc vua chúa, quan lại xứ Huế ngày xưa. Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, thanh tịnh và thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa đã thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những phiền muộn, lo âu…
Trong phạm vi chùa Thiên Mụ đâu đâu cũng toát lên một chút thơ, một chút mộng của xứ Huế. Mỗi công trình, kiến trúc dù được xây dựng dưới triều đại nào cũng đều thể hiện sự tín ngưỡng, trang trọng và hài hòa với những công trình trước đó.
Dù không phải là người tín ngưỡng, bước chân vào không gian này, khách như đi vào lối thơ. Kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên như những cung bậc của thi ca. Người yêu thiên nhiên, đứng ở nơi này có thể sáng tác vài vần thơ. Một tiếng chuông trong vắt, một âm thanh đục của tiếng gỗ phát ra từ chiếc mõ nơi chánh điện cũng làm cho du khách như đang đi giữa không gian của Phật pháp.
Những người yêu sự mộng mơ của xứ Huế lên tháp Phước Duyên ngắm dòng Hương Giang lượn lờ, để thấy được nét duyên, nét thơ của Huế. Cảnh vật nơi đây còn rất hoang sơ dù cách trung tâm thành phố Huế không xa. Những rẫy bắp bên dòng sông, những mảng xanh của thiên nhiên chính là những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của đất Thần kinh này.
Con sông len lỏi vào những núi, những rừng, những cánh đồng, rẫy bắp tạo nên bức tranh thủy mặc sống động. Chùa Thiên Mụ nằm ngay trên đỉnh một gò đất cao là điểm nhấn cho bức tranh đó. Đến đây, những sân si đời thường dường như lắng lại không chỉ bởi tiếng kệ mà còn bởi không gian nên thơ của chốn này đã làm người ta quên đi những “thất tình, lục dục”.
Đến với chùa Thiên Mụ, du khách không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Từ bốn thế kỷ nay, chùa Thiên Mụ với tiếng chuông sớm chiều ngân nga, vang vọng, khói hương ngào ngạt tỏa ra giữa thanh không vắng lặng, đã hấp dẫn và say đắm biết bao lòng người xứ Huế và du khách bốn phương.Những cảnh đẹp tuyệt vời trong bình minh, hoàng hôn hay những đêm trăng thanh, gió mát đã tượng trưng cho vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng của xứ Huế. Tiếng chuông chùa đã đi vào câu ca dao, điệu hò, để lại trong lòng người Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.
Chùa Thiên Mụ lung linh về đêm
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
Đã từ lâu, chùa Thiên Mụ (TP. Huế) nổi tiếng với 108 tiếng chuông ngày ngày giữ nhịp thời gian, mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ. Ấy vậy mà, nơi chốn cửa phật từ bi này còn được gán một lời nguyền nghiệt ngã.
Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị vùng Đàng Trong, và tình yêu đôi lứa vẫn còn nằm trong sự sắp đặt của cha mẹ, có cô gái con nhà quan danh giá, xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai mồ côi, lại nghèo khó. Mối tình vụng trộm của họ như con thuyền trắc trở không bến đỗ vì bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt. Quá đau khổ, đôi trai gái cùng nhau ra sông Hương tự vẫn, vì những tưởng sống không đến được thì chết sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng trớ trêu thay, khi trái tim chàng trai đã ngừng đập dưới đáy sông Hương sâu thẳm, cô gái lại may mắn dạt vào bờ và được những người địa phương tốt bụng cứu sống. Gia đình cô gái tìm về, ép nàng lấy một vị quan nhất phẩm trong triều mà họ đã nhắm từ trước. Thời gian trôi qua, cô gái cũng dần nguôi ngoai nỗi buồn về người yêu cũ, thuận lấy chồng và sống một cuộc đời vinh hoa. Chờ người yêu mỏi mòn không thấy, oan hồn chàng trai uất hận cho số phận bất trắc của mình, bèn lang bạt vào chùa Thiên Mụ ngự trước mặt sông Hương, thề độc sẽ phá những đôi tình nhân đến đây viếng chùa. Có lẽ vì tích đó mà người ta truyền miệng nhau rằng, những ai còn cô đơn đến đây thành tâm cầu nguyện sẽ gặp được người thương, còn nếu có người yêu mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ chia lìa tan tác.
Du khách đến với xứ Huế nên ghé thăm chùa Thiên Mụ mới có thể thấy được hết nét kiến trúc độc đáo mà hài hòa đến khó tin. Hơn nữa bạn cũng có thể gửi gắm những tâm sự tại chốn tâm linh tĩnh lặng này!!!
Nguồn: tổng hợp