Phần lớn doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Khá nhiều trong số đó đã không thể cầm cực sau một năm suy giảm khách du lịch trầm trọng vì đại dịch Covid-19 nhưng cũng đã có những doanh nghiệp chuyển hướng thành công và có những kế hoạch mới mẻ cho tương lai.
Những ngày cuối năm 2020, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã có buổi trò chuyện với một số doanh nhân là chủ các công ty lữ hành có quy mô nhỏ và vừa trong mảng lữ hành quốc tế và nội địa để thảo luận về tình hình hiện tại cùng định hướng cho hậu Covid-19.
Du khách vui chơi trên bãi biển Hạ Long. Ảnh: Đào Loan
Doanh nghiệp lữ hành "sống" ra sao?
Tình hình chung là rất nhiều doanh nhân phải ngưng hoạt động hoặc chuyển sang ngành khác. Trong đó, có những người đã chuyển hẳn sang làm ngành thương mại và bỏ ngõ thời điểm quay lại với du lịch với lý do phải còn chờ cho đến khi thị trường du lịch tốt hơn.
Một số khác, nhiều hơn số lượng doanh nhân chuyển nghề là những người chuyển mảng. Sau gần một năm suy giảm khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành khó có thể tiếp tục với mảng kinh doanh chính mà chuyển sang những mảng liên quan như đào tạo nhân lực cho du lịch, dịch vụ lưu trú tại một số điểm thu hút khách trong nước.
Tuy nhiên, với những mảng mới, nhà kinh doanh cũng phải chuyển đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn, với mảng đào tạo nhân lực du lịch, hình thức đào tạo nghiêng về hướng trực tuyến nhiều hơn và doanh nghiệp ở trong trạng thái chờ đợi, chờ nhu cầu tuyển dụng tăng cao trở lại khi thị trường hồi phục sau dịch.
Với những doanh nhân chuyên mảng lữ hành quốc tế, nhiều người đang chuyển sang thị trường nội địa nhưng thực tế việc chuyển đổi khá khó khăn vì chưa quen với thị trường mà tình hình dịch lại thất thường, khiến tình trạng hủy - hoãn tour liên tục xảy ra. Thêm vào đó, quy mô thị trường hiện nhỏ hơn, sức mua cũng sụt giảm hơn thời điểm trước dịch mà cạnh tranh lại gay gắt hơn trước.
"Có những công ty làm thị trường quốc tế tốt nhưng lại khó chuyển sang nội địa, có những nhân viên là trưởng, phó bộ phận ở mảng quốc tế nhưng không thể làm việc hiệu quả được khi chuyển sang mảng mới. Vì thế, doanh nghiệp đã buộc phải chọn cách "ngủ đông" hoàn toàn để chờ mở cửa", ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch nói.
Tuy nhiên, thị trường cũng đã có điểm sáng. Tại buổi trò chuyện trên, có vài doanh nhân cho biết không những sống được mà còn sống khỏe đã tuyển thêm nhân viên để mở rộng chuyện làm ăn trong thời điểm nhiều công ty phải đóng cửa. Đây là những người kinh doanh mảng nội địa và đã sớm phát hiện ra những ngách mới của thị trường.
Có công ty đã phát hiện một thị trường lớn từ nguồn khách là nhân viên văn phòng ở Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ chừng 2-3 ngày ở các điểm du lịch gần, đặc biệt là Hà Giang nên đã sớm hoàn thiện sản phẩm để bán và thành công với ngách thị trường này.
Doanh nghiệp cũng nhanh nhạy tính toán những điểm có thể thu hút khách sau mỗi đợt bùng dịch và mạnh dạn gom dịch vụ trước nhằm chủ động về dịch vụ và giá. "Những người này còn kết nối với doanh nghiệp chuyên mảng quốc tế trước đây để nhanh chóng phát triển mạng bán sỉ. Thực sự đã có những công ty sống khỏe trong thời dịch", ông Chính nói.
TPHCM chào đón khách du lịch đến thành phố trong ngày đầu của năm mới 2021. Ảnh: Sở Du lịch TPHCM
Dự báo năm 2021
Một thông tin không vui là dự báo cho năm mới 2021 không sáng sủa cho cả mảng du lịch trong nước và quốc tế. Với mảng nội địa, dù phần lớn doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng du lịch nội địa sẽ là mảng chính trong năm mới nhưng thị trường có thể sẽ chỉ ngang ngửa với năm khó khăn 2020, thậm chí là khó khăn hơn vì túi tiền của khách hàng đã thực sự mỏng sau hơn một năm đương đầu với tình trạng thu nhập giảm sút.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể đến năm 2022, lượng khách du lịch nội địa mới có thể bằng với thời điểm trước dịch là năm 2019.
Với mảng du lịch quốc tế, doanh nhân nào cũng mong sớm được phép nối lại. Tuy nhiên, sau nhiều lần bùng dịch và với tình hình dịch vẫn đầy nguy cơ ở bên ngoài, những người kinh doanh lữ hành hiểu rằng, nếu mở cửa không thận trọng thì sẽ mất luôn thị trường nội địa, hiện là kỳ vọng tồn tại của du lịch trong tương lai gần.
Phần lớn doanh nghiệp lữ hành quốc tế đều không tin là có thể có khách trở lại trong năm 2021, chỉ có một số ít lạc quan cho rằng có thể đón khách từ quý 4 năm nay. Dự đoán về thời điểm điểm phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp cho biết phải mất từ 3-4 năm.
Vậy hướng nào để doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có thể chờ đến khi du khách quay trở lại? Doanh nghiệp cho rằng, cùng với những biện pháp xoay xở như chuyển đổi mảng dịch vụ, tìm các ngách mới của thị trường hay tạm thời co cụm lại như vừa kể trên, du lịch rất cần các chính sách hỗ trợ về thuế phí cùng những chương trình kích thích tiêu dùng dài hạn từ địa phương như giảm, miễn vé tham quan cho du khách.
Một thông tin bất ngờ là khi nói về những gợi ý để du lịch Việt Nam sớm hồi phục lượng khách quốc tế sau dịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành đề cập đến hướng kêu gọi khách du lịch quay lại từ việc kích thích luồng đầu tư nước ngoài.
Theo ông Chính, sự chuyển dịch đầu tư từ các nước đến Việt Nam trong mùa dịch đã mở ra một hướng mới trong việc tiếp thị hình ảnh để thu hút du khách quốc tế trở lại. Chính phủ nên nhân cơ hội này để đưa ra những chính sách mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Càng nhiều nhà đầu tư đến sau dịch thì thông tin tích cực về điểm đến Việt Nam càng được lan truyền mạnh mẽ hơn, góp phần giúp du lịch kéo khách du lịch trở lại. Thêm vào đó, những nhà đầu tư nước ngoài này cũng là các khách hàng quan trọng của ngành du lịch.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến trong năm 2020 chỉ đạt hơn 3,83 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm ngoái, tương đương với số khách sụt giảm là hơn 14 triệu lượt. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch đạt 312.000 tỉ đồng, giảm 58,7% so với năm 2019. |