Năm 2023, Hà Nội có 129.210 học sinh lớp 9 trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ công lập, công lập tự chủ, tư thục và giáo dục thường xuyên là 112.654. Vậy 16.646 học sinh còn lại sẽ học ở đâu?
Sư đoàn sĩ tử "dôi dư"
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TP Hà Nội chiều 5/7: "Chúng tôi khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học".
Phát biểu của ông Trần Thế Cương diễn ra trong bối cảnh nhiều cổng trường, cả công lập lẫn tư thục ở khắp Hà Nội, hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng từ tối hôm trước chờ đến sáng hôm sau hòng giành một suất học lớp 10 cho con.
Tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội những ngày qua diễn ra cảnh hàng trăm phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để tranh suất học lớp 10 cho con (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Tuy nhiên, những con số được đưa ra từ các văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội lại thể hiện một thực tế khác.
Năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, toàn thành phố có 129.210 học sinh lớp 9.
128 trường THPT công lập và công lập tự chủ trên địa bàn thành phố nhận chỉ tiêu như sau: công lập không chuyên 69.265 chỉ tiêu; công lập hệ chuyên 2.480 chỉ tiêu; công lập tự chủ 3.685 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu công lập, theo đó, là 75.430.
29 trường giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Hà Nội được giao 10.305 chỉ tiêu. 95 trường THPT tư thục được giao 26.829 chỉ tiêu.
Như vậy, tổng chỉ tiêu cho lớp 10 là 112.654.
Những con số đó thể hiện trong Quyết định số 710/QĐ-SGDĐT ngày 21/4/2023 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT công lập và công lập tự chủ năm học 2023-2024; Quyết định số 711/QĐ-SGDĐT ngày 21/4/2023 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT tư thục năm học 2023-2024; Quyết định số 712/QĐ-SGDĐT ngày 21/4/2023 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trung tâm GDNN-GDTX năm học 2023-2024.
Giả định 112.654 học sinh tìm được chỗ học phù hợp lấp đầy 112.654 suất học lớp 10 mà thành phố cung cấp thì vẫn còn 16.646 học sinh bị dư ra.
4 trường chuyên thuộc quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn Hà Nội hằng năm tuyển sinh xấp xỉ 2.000 chỉ tiêu với đối tượng tuyển sinh toàn quốc. Giả định 1/2 số chỉ tiêu này dành cho học sinh Hà Nội, con số 16.646 dư ra nói trên giảm được 1.000, còn 15.646 em vẫn chưa biết xếp vào đâu. Con số tương đương quân số của một sư đoàn.
Số học sinh không có chỗ học lớp 10 trên thực tế được cho là cao hơn rất nhiều do dân cư tập trung đông đúc trong các vùng trung tâm và thưa thớt ở các huyện vùng xa, miền núi. Đây là một phần lý do của hiện tượng có nơi học sinh hơn 40 điểm (trung bình 8 điểm/môn) vẫn trượt cả 3 nguyện vọng, nơi khác học sinh chỉ hơn 3 điểm mỗi môn vẫn đỗ nguyện vọng 1.
Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ học sinh học xong lớp 9 không có hộ khẩu Hà Nội mất quyền học cấp 3 công lập tại Hà Nội.
Câu chuyện học sinh Hà Nội không có chỗ học lớp 10 còn đau lòng hơn thế, dưới góc nhìn của các phụ huynh.
Những con số "vô can"?
Bà Nguyễn Thị Mai (KĐT Vinhomes Smart City, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ nỗi bức xúc khi một lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội cho rằng học sinh điểm cao vẫn trượt lớp 10 "là do không biết lượng sức".
Bà Mai có con sinh năm 2008, học Trường THCS Nguyễn Du (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), lực học theo đánh giá trên học bạ đạt mức Khá. Trong 5 kỳ thi thử, con bà Mai đạt mức điểm trung bình là 35 điểm. Theo tư vấn của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, bà Mai đăng ký cho con tham dự kỳ thi vào lớp 10 của Sở với nguyện vọng 1 là Trường THPT Trung Văn, nguyện vọng 2 là Trường THPT Đại Mỗ. Hai trường này có mức điểm chuẩn trung bình các năm trước đây không vượt quá 35.
Kết quả thi, con bà Mai đạt 36,25 nhưng điểm chuẩn vào trường Trung Văn năm nay tăng vọt lên 37,75. Số điểm chênh lệch so với nguyện vọng 2 không nhiều khiến bà Mai vội vàng đi nộp hồ sơ vào một trường dân lập cho con. Trường này lấy điểm chuẩn 35, bà Mai xếp hàng từ 5h sáng.
Cảnh tượng xếp hàng chờ lấy số, nộp hồ sơ đăng ký học diễn ra ở cả trường công, trường tư (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Bà Mai cho hay sẵn sàng chấp nhận mức học phí hơn 10 triệu/tháng để chắc chắn con có chỗ học lớp 10, không chờ đến khi nguyện vọng 2 gọi. Một số phụ huynh có hoàn cảnh tương tự mà bà quen biết chỉ vì chần chừ trong đôi ba ngày mà mất cơ hội học của con. Bởi hiện tại, trường kia đã tăng điểm chuẩn lên 40.
Lớp con bà Mai có 37 học sinh, hiện chỉ có 20 học sinh chắc chỗ học lớp 10. 17 cháu còn lại vẫn chưa biết đi đâu về đâu.
Bà Mai cũng không tán thành phát biểu của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội rằng tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ là do trường có uy tín đào tạo tốt nên phụ huynh tin tưởng gửi gắm, bằng mọi giá phải cho con vào học.
"Ngay cả những trường dân lập không hề có tên tuổi, điểm chuẩn các năm trước rất thấp thì năm nay học sinh khá muốn vào cũng khó. Phụ huynh muốn nộp hồ sơ đều phải đến từ nửa đêm về sáng. Thậm chí nhiều người còn phải tìm cách nhờ vả để xin học cho con", bà Mai khẳng định.
Bà Hoàng Thị Thu Trà (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng kể, bà được các phụ huynh cùng lớp con nhờ vả rất nhiều trong những ngày qua để tìm bằng được một suất học dân lập.
"Các trường dân lập có uy tín về chất lượng hầu hết đã tuyển sinh được 90% chỉ tiêu trước khi Hà Nội công bố điểm chuẩn kỳ thi của Sở. Các trường dân lập tốp giữa, tốp cuối còn nhiều chỉ tiêu hơn nhưng điểm chuẩn "nhảy số" như... chứng khoán, hàng loạt học sinh trên 40 điểm vẫn trượt.
Thiệt thòi nhất là nhóm học sinh chỉ đạt tầm 34-36 điểm. Không "nhanh chân" đi xếp hàng giữ chỗ từ nửa đêm thì không có chỗ cho con học. Chậm 1 giờ là mất suất, chưa nói chậm 1 ngày. Những học sinh đó sẽ đi đâu? Lực học khá, không bố mẹ nào nghĩ con phải vào học ở trung tâm giáo dục thường xuyên mà giữ chỗ làm phương án dự phòng.
Trong khi đó, các trung tâm này đã khóa sổ tuyển sinh từ 25/6", bà Trà chia sẻ.
Bà Trà cũng đặt câu hỏi: "Ngành giáo dục nói Hà Nội không thiếu chỗ học, có thể đúng, nhưng chỗ học nào mới quan trọng. Chẳng lẽ học sinh ở Thanh Xuân phải lên Ba Vì học vì ở đó còn nhiều chỗ?
Tôi đồng ý rằng phụ huynh chúng tôi có lỗi khi không chuẩn bị tất cả phương án dự phòng cho con, nhưng ngành giáo dục khiến trẻ con muốn học mà không có chỗ học thì... vô can sao?".
Tính riêng trên địa bàn quận Thanh Xuân, nơi con bà Trà đăng ký nguyện vọng lớp 10, khu vực này có 6.355 chỉ tiêu nhưng tới 13.615 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Cũng theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, thành phố có khoảng 155.600 học sinh vào lớp 1 (sinh năm 2017), tăng khoảng 11.600 so với lứa tuổi sinh năm 2016. Số học sinh vào lớp 6 (sinh năm 2012) là 188.400, tăng khoảng 38.000 so với lứa tuổi sinh năm 2011. Như vậy, 4 năm tới, số học sinh vào lớp 10 của Hà Nội tăng hơn 66.000 so với hiện tại.
Nếu Hà Nội không mở rộng được lớp 10, số học sinh bị đẩy ra ngoài trường học sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 có thể lên đến gần một vạn. Những hệ lụy nào sẽ xảy ra khi một số lượng lớn trẻ em lứa tuổi 14-15 có nhu cầu đi học văn hóa mà không được đáp ứng nhu cầu, hẳn các nhà quản lý đều có thể xác định được.