Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, nhiều cơ hội cũng như thách thức đặt ra khiến cho các doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề luôn cố gắng đổi mới và tạo ra những điều kiện tốt nhất để phát triển.
Trao đổi với ông Vũ Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam, ông Bảo đã chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp giấy đang gặp phải trong thời gian gần đây.
70% sản lượng giấy của nước ta được sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ loại giấy đã qua sử dụng
Theo ông Bảo, 70% sản lượng giấy của nước ta được sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ loại giấy đã qua sử dụng, trong đó có 50% được thu gom trong nước, còn lại là nhập khẩu. Tính trung bình, để sản xuất ra mỗi tấn giấy từ nguồn nguyên liệu là giấy đã qua sử dụng (còn gọi là “giấy thu hồi”) sẽ tiết kiệm được 17 cây gỗ tiêu chuẩn cùng 1.500 lít dầu, 26,5 m³ nước, 3,3m³ đất chôn lấp và giảm được 74% khí thải nhà kính… Bởi vậy, hiệu quả từ việc sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy là vô cùng lớn so với việc chế biến giấy từ cây nguyên liệu. Chính vì vậy đối với giai đoạn hiện nay việc sử dụng giấy thu hồi được coi là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp giấy.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho biết, giấy đã qua sử dụng là nguồn sống của ngành giấy Việt Nam, nhưng các cơ quan chức năng lại luôn với thái độ “khắt khe” thậm chí “thù địch” với loại nguyên liệu này. Chính vì thế, trong công văn 2993/TCMT-KSON ngày 31/12/2015 của Tổng cục Môi trường nói rõ: “Phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất nói chung và phế liệu giấy nhập khẩu là loại hàng hóa đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…”
Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã áp dụng luôn quy định được áp dụng tại công văn 6037/TCHQ-GSQL ngày 1/7/2015 rằng: “Thực hiện kiểm tra thực tế 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập khẩu, không được chuyển về nhà máy, cơ sở sản xuất để kiểm tra”, điều này đã gây ra muôn vàn khó khăn cho DN khi làm thủ tục nhập khẩu. Còn muốn không bị kiểm tra như thế thì phải… “đội giá thành” với số tiền không hề nhỏ đối với mỗi container giấy đã qua sử dụng.
Đồng thời với nhận định khá “khắt khe” này, các DN sản xuất giấy đều phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu, theo đó đơn vị có sản lượng thấp nhất mỗi tháng nhập khoảng 1.000 tấn thì phải ký quỹ tới 800 triệu đồng/tháng. Với quy định này DN sản xuất giấy nhập khẩu 2.500 tấn/tháng thì phải ký quỹ tới 2 tỉ đồng. Cá biệt ông Bảo cho biết có DN ký quỹ tới 8 tỉ đồng. Điều này thực sự là một khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp Giấy nói chung.
Chính vì những lý do trên, ông Bảo cho biết Hiệp hội giấy Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị mong muốn các cơ quan chức năng sẽ có cách nhìn nhận hợp lý hơn về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giấy nói chung. Trong đó đáng chú ý là các điểm sau:
Thứ nhất, sử dụng từ “giấy thu hồi” thay cho “giấy phế liệu” để nhấn mạnh bản chất của loại nguyên liệu này. Điều này hiện nay đang được rất nhiều quốc gia có nền công nghiệp giấy phát triển sử dụng
Thứ hai, có chính sách quốc gia về việc coi “giấy thu hồi” là nguyên liệu thứ cấp, coi đó là việc ích nước, lợi dân có các chính sách khuyến khích việc thu gom và nhập khẩu giấy đã qua sử dụng và đặc biệt xem xét việc giảm thuế VAT cho các loại giấy sử dụng nguyên liêuj giấy thu hồi
Thứ ba, giảm ký quỹ từ 20% xuống 5% đối với các lô hàng giấy thu hồi…
Thông qua đó để người dân cũng như các doanh nghiệp có nhiều điều kiện sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có để tiếp tục nâng cao sản xuất và phát triển.
Đặng Lan / DĐDN