Ngày 15/4, tại huyện Mộc Châu (Sơn La), UBND huyện Mộc Châu phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cùng các cơ quan thực hiện Dự án "Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất rau trái vụ vùng Tây Bắc Việt Nam" do Cơ quan phát triển nông nghiệp quốc tế Úc tài trợ tổ chức Lễ công bố Nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Rau an toàn Mộc Châu".
Tham dự buổi lễ có bà Amy Gui Hot, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thực hiện dự án; đại diện UBND tỉnh Sơn La và 2 huyện Vân Hồ, Mộc Châu cùng các Hợp tác xã tham gia sản xuất rau an toàn. Đặc biệt tham gia buổi lễ còn có đại diện các nhà phân phối, bán lẻ rau an toàn Mộc Châu như: FiviMart, AEON, BigGreen, METRO, GREENLIFE,...
Bà Amy Gui Hot, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết Dự án "Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất rau trái vụ vùng Tây Bắc Việt Nam" do Cơ quan phát triển nông nghiệp quốc tế Úc tài trợ đã hỗ trợ huyện Mộc Châu và Vân Hồ tổ chức sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau an toàn. Dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2011 đến 2016 với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn trong và ngoài nước như: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Viện Nghiên cứu rau quả; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Tổ chức CIRAD của Pháp; Công ty Fresh Studio; Tổ chức HELVETAS và Tổ chức Applied Horticultural Research (Úc).
Đến nay dự án đã đạt được rất nhiều kết quả tốt đẹp: Diện tích gieo trồng rau, củ quả trên địa bàn huyện đạt 1.063ha, sản lượng đạt 16.711 tấn với 35 loại rau, củ quả; việc sản xuất rau an toàn đang được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap do đó rau an toàn Mộc Châu đã khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Hiện nay Mộc Châu đang có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ rau an toàn để liên kết tiêu thụ sản phẩm đến các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội. Nhờ có Dự án nên các hộ nông dân trồng rau an toàn ở Mộc Châu đã hiểu biết về quy trình kỹ thuật, kiến thức thị trường và đạt hiệu quả kinh tế cao trên 1 đơn vị diện tích với giá trị thu nhập ổn định khoảng 400-500 triệu/ha/năm.
Đặc biệt, Dự án đã hỗ trợ huyện Mộc Châu phát triển thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau an toàn và đến nay Nhãn hiệu chứng nhận "Rau an toàn Mộc Châu" do UBND huyện Mộc Châu làm chủ sở hữu đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định số 12175/QĐ-SHTT ngày 03 tháng 3 năm 2016.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho rằng, việc được cấp Nhãn hiệu chứng nhận "Rau an toàn Mộc Châu"sẽ là điều kiện, cơ hội tốt cho Mộc Châu thực hiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm rau an toàn ra thị trường và đẩy mạnh phát triển mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo quy hoạch để góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho người nông dân trồng rau của huyện Mộc Châu; đồng thời góp phần thúc đẩy xây dựng Mộc Châu sớm trở thành khu du dịch Quốc gia theo Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện cho các Hợp tác xã sản xuất rau an toàn, bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên cho biết, Hợp tác xã của bà hiện có 39 xã viên với diện tích 15 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2015, sản lượng rau của đơn vị cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội đạt 450 tấn. Tuy nhiên, bà Luyến cho rằng, sản xuất rau an toàn tại Mộc Châu còn gặp nhiều kho khăn do sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, có độ rủi ro cao, hệ thống thủy lợi chưa được hoàn thiện nên ảnh hưởng đến tưới tiêu, các sản phẩm vẫn ở dạng thông thường, chưa có sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, tại Mộc Châu chưa có nhà đóng gói, sơ chế để gắn nhãn mác cho các sản phẩm mà phải chở về Hà Nội để đóng gói, gây ra phát sinh chi phí và ảnh hưởng tới chất lượng các sản phẩm rau an toàn của Mộc Châu.
Đại diện cho các nhà phân phối, bà Vũ Thị Hậu, đại diện hệ thống siêu thị FiviMart cho rằng, doanh nghiệp đã đồng hành với Ban quản lý dự án để góp ý với các hợp tác xã để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với thị trường. Năm 2014, đơn vị đã tiêu thụ 223 tấn và năm 2015 là 250 tấn rau an toàn cho hợp tác xã Tự Nhiên. Doanh nghiệp cũng đã ứng vốn cho hợp tác xã mua ô tô lạnh vận chuyển và cung cấp các phương tiện đi cùng như giỏ, sọt để vận chuyển cho đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của các đơn vị sản xuất rau an toàn ở Mộc Châu còn rất yếu, chưa có nhà lạnh để bảo quản và nhà sơ chế đóng gói tại chỗ nên doanh nghiệp phải mất nhiều công sức hơn, là giảm khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, điều mà bà Hậu băn khoăn nhất chính là sau khi dự án rút đi thì bà con nông dân có còn thực hiện tiếp các quy trình sản xuất như ghi sổ, sử dụng thuốc trừ sâu phù hợp,.. như trước không. Vấn đề này cần được các cấp ngành ở địa phương cần quan tâm đúng mức và cũng là trách nhiệm của các nhà sản xuất để ”Rau an toàn Mộc Châu” có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.