Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công Thương tại buổi làm việc chiều ngày 5/4, ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định cho biết, 3 tháng đầu năm, tuy có nhiều khó khăn nhưng ngành Công Thương của tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nên hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tiếp tục giữ đà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định trao đổi tại buổi làm việc |
Cụ thể, theo Báo cáo của Sở, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh 3 tháng đầu năm tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) đạt 14.142,5 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu có mức tăng cao về giá trị sản xuất công nghiệp như đóng mới tàu thuyền tăng 12,5%, khăn các loại tăng 10,5%, vải các loại tăng 9,7%, thuốc dạng viên các loại tăng 9,4%, quần áo may sẵn tăng 9,1%...
Cùng với sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu cũng có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đạt khoảng 216,2 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực trung ương đạt 7,7 triệu USD, tăng 0,8%, khu vực địa phương đạt 90 triệu USD tăng 4,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 118,5 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, lâm sản và thực phẩm chế biến. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 149 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 16,9%.
Năm 2016, Nam Định phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp 12-12,5%. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 31.153 tỷ đồng, tăng 15,14% so với năm 2015. Ở Chương trình nông thôn mới trong 2 tiêu chí ngành Công Thương thực hiện Nam Định phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí điện nông thôn, 158/209 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn. |
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm 2016 như kế hoạch đề ra, ông Văn cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, đảm bảo cân đối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, điện tử; Kêu gọi các doanh nghiệp về nông thôn đầu tư sản xuất, góp phần giải quyết lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được đẩy mạnh. Theo đó, giữ ổn định các thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để không phụ thuộc vào một thị trường; đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, mở rộng các mặt hàng chủ lực đã có đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng chủ lực mới.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Công nghiệp địa phương và các đơn vị của Bộ cũng đã trao đổi, giải đáp những vấn liên quan đến công tác thị trường, phát triển cụm công nghiệp, phát triển làng nghề, xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (điện nông thôn, chợ nông thôn).
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương Nam Định đạt được. “Các chỉ tiêu đạt được cho thấy Nam Định vẫn phát huy được truyền thống là cái nôi của sản xuất công nghiệp đặc biệt là công nghiệp dệt. Riêng về góc độ công nghiệp địa phương, Nam Định vẫn là một trong những tỉnh hàng đầu với các chỉ tiêu của quí một đều cao hơn mức chung của cả nước. Qua khảo sát cho thấy, các khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn không nổi cộm như một số địa phương khác”, Cục trưởng Ngô Quang Trung nhấn mạnh.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương thăm cửa hàng trưng bày của Doanh nghiệp tư nhân cơ khí đúc Tân Tiến |
Thăm xưởng đúc của Doanh nghiệp tư nhân đúc đồng Thuấn Dung |