Trong 5 tháng đầu năm 2016 chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng gần 8,2%. Một số ngành tăng cao hơn mức bình quân chung như sản xuất xe có động cơ, sản xuất da và sản phẩm có liên quan, sản xuất hóa chất, thiết bị điện, dệt may... Ngành Công Thương Đồng Nai tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá 5 tháng năm 2016 của Đồng Nai đạt 55,3 ngàn tỷ đồng, tăng 11,06% so cùng kỳ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 5 tháng năm 2016 đạt gần 55,4 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Giá cả thị trường ổn định, xuất khẩu hàng hóa tăng. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015; Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 5 tháng đạt 5,2 tỷ USD. Đồng Nai tiếp tục là tỉnh xuất siêu lớn (800 triệu USD).
Các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống các cửa hàng bán lẻ tiếp tục triển khai nhiều hình thức kinh doanh khuyến mãi thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm. Lưu lượng hàng hóa dồi dào, nhiều chủng loại, đa dạng, mẫu mã phong phú đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, làm cho tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá 5 tháng năm 2016 đạt 55,3 ngàn tỷ đồng, tăng 11,06% so cùng kỳ và đạt 40,7% so kế hoạch năm.
Góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành, mới đây Sở Công Thương Đồng Nai đã lấy ý kiến góp ý về Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Thực tế cho thấy, giai đoạn 2011- 2015, chuyển dịch trong ngành công nghiệp của tỉnh còn chậm. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp (DN) công nghệ cao, chiếm 1% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ có 259 DN, chiếm 24% giá trị sản xuất công nghiệp. Hoạt động sản xuất công nghiệp chia làm 2 vùng: Vùng 1 gồm TP Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và vùng 2 là những huyện thị còn lại.
Trong giai đoạn tới, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Đồng Nai tập trung tăng giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động với thu nhập cao. Vì vậy, các địa phương cần xem xét lại và có đề xuất với tỉnh, Trung ương những chính sách đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc biệt, những vùng sâu, vùng xa phải xây dựng chính sách hỗ trợ về thuế, đất thấp hơn nhiều so với vùng trung tâm để thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Đồng thời, các ngành quản lý phải xây dựng được Trung tâm hỗ trợ DN, giúp DN khởi nghiệp về các thủ tục hồ sơ, giấy tờ thành lập, xúc tiến thương mại hiệu quả, chú ý hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ trong nước...