Cho đến thời điểm này, các địa phương đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh du lịch của tháng 3-2020. Đó là những con số "tệ" nhất trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam. Có nơi, lượng khách du lịch đã giảm hơn 90%.
TPHCM: Khách quốc tế giảm 84%
Một khách sạn 3 sao ở TPHCM đã đóng cửa vì Covid-19. Trung tâm du lịch lớn nhất, chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế của cả nước cũng không thể thoát khỏi suy thoái trong đại dịch lần này. Những ngày đầu tháng 4-2020, số lượng các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành phải đóng cửa tăng vọt.
"Chúng tôi đã đóng cửa khách sạn, chỉ cần có 10 phòng có khách là chúng tôi mở cửa trở lại nhưng không biết bao giờ mới có được", một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn trong đó có khách sạn 3 sao nói với TBKTSG Online.
Theo số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, lượng khách quốc tế đến trong tháng 3-2020 chỉ còn 117.000 lượt, giảm 84,23% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung ba tháng đầu năm nay, chỉ có hơn 1,3 triệu lượt khách đến, giảm 42,26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng thu du lịch của thành phố trong tháng 3-2020 ước chỉ đạt 3.496 tỉ đồng, giảm 65,26% so với cùng kỳ.
Hà Nội không phải là ngoại lệ: giảm 61%
Phố Ngô Quyền, trước khách sạn nổi tiếng Metropole Legend Hanoi vắng tanh. Từ đầu tháng 3 vừa qua, khi Hà Nội phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, lượng khách và công suất sử dụng phòng tại các khách sạn ở thủ đô giảm mạnh.
Theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong tháng 3-2020, khách quốc tế do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 182.000 lượt, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước; khách trong nước ước đạt 470.000 lượt, giảm 50,6% so với cùng kỳ.
Tính chung trong ba tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 756.000 lượt, khách nội địa ước đạt hơn 1,9 triệu lượt; giảm tương ứng là 36,9% và 33,6% so với cùng kỳ.
Quảng Ninh: Du lịch gần chạm đáy
Trong ảnh trên là chiếc tàu du lịch nằm yên lặng tại Cảng du lịch quốc tế Hạ long, tỉnh Quảng Ninh. Hơn 500 tàu du lịch ở vịnh Hạ Long đã nằm bờ kể từ ngày 12-3-2020, khi UBND tỉnh quyết định tạm dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, dừng cấp phép lưu trú trên vịnh Hạ Long... để ngăn dịch.
Hàng loạt điểm tham quan cũng tạm đóng cửa. Từ ngày 31-3 đến hết ngày 15-4 tới đây, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, trừ các cơ sở được trưng dụng làm chỗ cách ly cũng được lệnh tạm dừng đón khách. Du lịch gần chạm đáy.
Ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel Group, doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch ở vịnh Hạ Long và làm dịch vụ lữ hành, cho biết trong hai tháng qua, doanh nghiệp đã thiệt hại 5 triệu đô la Mỹ. Không có khách, công ty phải cắt giảm nhân viên, cho làm việc luân phiên, giảm tiền lương, giảm chi phí vận hành, giãn nợ, huy động các nguồn vay ngắn hạn... để '"sống sót".
"Chúng tôi phải đang dần trích vốn dự phòng để sử dụng nhưng nếu dịch kéo dài qua tháng 4 này thì sẽ không trụ được", ông Phạm Hà nói.
Thành phố đáng sống Đà Nẵng cũng "sụt sùi"
Theo số liệu từ Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng, các khách sạn, resort ở thành phố chỉ còn 20-30% khách, kể cả khách nội địa. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã cho nhân viên chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc cho tạm nghỉ, giảm lương.
Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng 3-2020 còn 249,7 tỉ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 494,6 tỉ đồng, giảm 52,7% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 82 tỉ đồng, giảm 56,3%.
Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế giảm mạnh. Trong đó, khách Trung Quốc giảm hơn 95%. Trong tháng 3-2020, lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ là 278.500 lượt, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái; khách do công ty lữ hành phục vụ là 63.400 lượt, giảm 59,6% so với cùng kỳ.
Vài ngày gần đây, một số doanh nghiệp khách sạn ở Đà Nẵng cho TBKTSG Online biết, tình hình kinh doanh hiện tại đang "rơi thẳng đứng", công suất trên 20% chỉ còn là mơ ước. Nhiều nơi thậm chí không được 5% và đã phải đóng cửa.
Khánh Hòa: Những du khách cuối cùng dần rời đi
Đừng vội vui mừng khi thấy khách du lịch đông đúc trong bức ảnh này bởi đó là cảnh khách Nga xếp hàng làm thủ tục về nước trên chuyến bay cuối cùng của một doanh nghiệp lữ hành vào ngày 31-3-2020.
Sau ngày này, cũng như nhiều nơi khác, doanh nghiệp trên đã tạm đóng tour đưa khách Nga đến Việt Nam nghỉ dưỡng. Với quyết định này, Nga – thị trường du lịch lớn thứ hai của Khánh Hòa, sau Trung Quốc – coi như cũng không còn khách.
Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong tháng 3 vừa qua, số lượt khách quốc tế đến tỉnh chỉ còn 28.000, giảm hơn 90,4% so với cùng kỳ; khách nội địa chỉ còn 19.800 lượt, giảm hơn 90,6% so với tháng 3-2019.
"Chúng tôi không còn khách. Hơn 40 năm làm du lịch, chưa khi nào tôi thấy ngành du lịch lại lâm vào thời điểm đen tối như thế này. Trải nghiệm điều này thật kinh khủng", ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng quản lý Khách sạn Rosaka Nha Trang, nói.
Kiên Giang: Đảo Ngọc không níu giữ nổi du khách
Những bãi biển tuyệt đẹp ở Phú Quốc cũng không thể giữ nổi bước chân du khách vì Covid-19. Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, lượng khách quốc tế đến đảo ngọc trong tháng 3-2020 đã giảm 76% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng, Phú Quốc chỉ đón 144.227 lượt khách tham quan du lịch, trong đó có 19.195 lượt khách quốc tế. Nhiều khách sạn, resort cũng đã đóng cửa.
Trên quy mô toàn tỉnh, tổng lượt khách đến tham quan du lịch ước đạt 225.858 lượt, giảm 69,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ du lịch của tỉnh Kiên Giang trong tháng 3-2020 chỉ đạt 499,9 tỉ đồng, giảm 72,4% so với cùng kỳ năm ngoái.