Thị trường taxi Việt Nam đã từng được chiếm lĩnh bởi các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun nhưng những năm gần đây sự xuất hiện của taxi công nghệ như Uber, Grab thế trận ngành taxi thay đổi hoàn toàn.
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Uber, Grab vẫn bùng nổ. Ảnh minh hoạ |
Đại gia cũng “ngấm đòn”
Sự xuất hiện của những hãng xe công nghệ như Uber, Grab tại Việt Nam cuối năm 2014 cho đến thời điểm này đã khiến hàng loạt các hãng taxi truyền thống, thậm chí cả Vinasun (mã VNS) ngấm đòn.
Ông chủ của nhiều hãng taxi đã nhiều lần tuyên bố việc “kiện Uber, Grab đến cùng”, đồng thời chỉ ra nhiều điểm được cho là “sai phạm” của 2 hãng taxi công nghệ kể trên, thậm chí tố các hãng taxi công nghệ có doanh thu, lợi nhuận lớn nhưng đóng thuế “bèo bọt” và có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế…
Giữa năm 2017 vừa qua, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM từng cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện Uber, Grab đến cùng vì “hình thức cạnh tranh không lành mạnh, cơ bản là họ đang phá giá”.
Lãnh đạo Vinasun đặt vấn đề cần làm rõ cơ sở nào để Uber, Grab đưa ra giá cước thấp và mức giá như hiện tại duy trì trong bao lâu hay chỉ đơn giản là Uber, Grab muốn “giết chết” các hãng taxi khác để lũng đoạn thị trường và tăng giá lên khi taxi truyền thống không còn.
Thời điểm này, đại diện phía Grab cũng lên tiếng và cho biết, việc Grab đưa ra nhiều khuyến mại gây sốc là một trong những biện pháp hiệu quả giúp tăng sức mua cho thị trường. Trong khi với nhận định cạnh tranh không lành mạnh và có dấu hiệu phá giá, Grab khẳng định đang làm đúng luật.
Tương tự, Hiệp hội taxi Hà Nội mới đây cũng đưa ra số liệu cho rằng ngân sách nhà nước thất thu lớn vì dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỷ đồng, tức là mỗi ngày Uber, Grab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng, lập luận từ phía Hiệp hội, theo Grab là “không có bằng chứng và căn cứ xác đáng là hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại đến uy tín công ty”.
Giọt nước tràn ly khi mới đây sau các hãng taxi truyền thống tại Hà Nội như Sao Thủ đô, Vạn Xuân, Mai Linh dán biểu ngữ, khẩu ngữ kêu gọi người dân đi taxi truyền thống là “bảo vệ nguồn tài chính quốc gia” hay đặt câu hỏi về thất thu ngân sách nhưng không nêu cụ thể tên Grab, Uber. Trong khi đó, Vinasun tại TP.HCM lại làm khác với dòng biểu ngữ “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” hay “Đề nghị dừng thí điểm Grab, Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể vi phạm Luật Cạnh tranh.
Hai ngày sau khi các biểu ngữ được dán trên xe và “hứng chịu” phản ứng ngược từ dư luận xã hội lãnh đạo Vinasun đã quyết định gỡ hết khẩu hiệu. Đồng thời, phía Vinasun vẫn bảo lưu quan điểm và cho biết có chứng cứ để chứng minh hiện tượng chấp hành pháp luật không nghiêm của Grab, Uber còn điều kiện kinh doanh bất công thì hoàn toàn chính xác.
Kết quả kinh doanh của Vinasun sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017 |
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của Vinasun, doanh thu, lợi nhuận của hãng taxi này sụt giảm tương đối mạnh. Cụ thể, doanh thu chỉ đạt 1.903 tỷ đồng, giảm 16%, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số lượng nhân sự của Vinasun cũng giảm gần 8.000 người so với đầu năm.
Báo cáo trước đó, năm 2016, Vinasun đạt 310 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 5% so với năm trước và đây cũng là năm đầu tiên Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận.
Đổi mới vô ích khi giá cước không thay đổi?
Từng ở vị trí thống lĩnh thị trường sau khi “ngấm đòn” bởi các hãng taxi công nghệ, taxi truyền thống cũng có những động thái cho thấy việc đổi mới, cải tiến nhiều về công nghệ cũng như chất lượng dịch vụ…
Chẳng hạn, Vinasun đã thanh lý hàng nghìn xe cũ, đầu tư thêm xe mới, phát triển thêm khách hàng sử dụng thanh toán online, nhập điểm đi đến để biết trước giá tương tự như ứng dụng của Grab Việt Nam.
Phía Mai Linh cũng đưa ra tuyên bố về việc đầu tư xe mới và phát triển ứng dụng đặt xe trong khi hầu hết các hãng taxi truyền thống khác cũng đầu tư app đặt xe kết hợp với tổng đài để cạnh tranh với Uber, Grab.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng những đổi mới vừa kể trên từ phía các hãng taxi truyền thống vẫn vô ích nếu giá cước không thay đổi bởi thực tế, giá cước của Uber, Grab đến thời điểm này đều rất cạnh tranh.
Chị Phương Anh (Hà Đông, Hà Nội), người thường xuyên di chuyển bằng taxi cho biết, chị vẫn sử dụng cả ứng dụng Uber, Grab và taxi truyền thống để gọi xe vì mỗi phương thức di chuyển đều có những mặt tích cực, tiêu cực. Cụ thể, theo chị Phương Anh, di chuyển vào khung giờ thường và thời tiết không mưa lựa chọn đi Uber, Grab tiết kiệm tương đối nhiều về chi phí trong khi nếu trời mưa, giờ cao điểm nên sử dụng taxi thường vì cước giờ cao điểm của Uber, Grab dù có mã khuyến mại sau khi trừ đi vẫn “chát”.
Theo chị Phương Anh, để các hãng taxi truyền thống cạnh tranh với Grab, Uber các hãng taxi ngoài việc đổi mới như thời gian vừa qua cũng cần những chính sách giảm giá cước, nên có những chương trình giảm giá đối với khách hàng thường xuyên hoặc khách hàng mới tuỳ loại để giữ chân và lôi kéo khách hàng.
Nguyễn Thảo / BizLIVE