Tồn tại hơn nửa thể kỷ qua, quán cà phê Tùng vẫn đơn sơ, mộc mạc với những chiếc bàn cũ kỹ, bức tranh bạc màu, miếng gỗ ốp tường và cả chiếc cửa ra vào lúc nào cũng mở hé đón ánh nắng ban mai.
Nằm lọt thỏm giữa trung tâm khu Hòa Bình, chính vị thế này giúp quán cà phê Tùng thu hút nhiều lượt khách ghé đến. Ít người biết đây là lại một trong những quán lâu đời nhất nhì đất Đà Lạt. Có người ghé đây để ngắm phố, ngắm người, có người đến để nghe vài cung tơ Pháp cũ của Sylvie Vartan, Christophe và cũng có người ngồi ở quán chỉ để tìm lại những hoài niệm về thành phố sương phủ quanh năm.
Chủ quán cà phê Tùng, được mọi người gọi một cách thân mật là “chú Tùng”, vốn là người Bắc di cư vào Đà Lạt. Tuy chú Tùng đã qua đời nhưng những người trong gia đình vẫn còn giữ truyền thống của một quán cà phê cổ. Đi qua bao thăng trầm suốt 50 năm qua, nơi này bây giờ đã trở thành một phần cuộc sống của người dân xứ mộng mơ, đồng thời cũng là một phần ký ức của người đi xa.
Bàn ghế ở Tùng cũ kỹ, cầu thang sắt gỉ sét bám bụi thời gian. Nội thất bên trong đơn giản là những chiếc bàn thấp, hàng ghế nhỏ bọc nệm như kiểu cà phê cóc miền Bắc những thập niên trước để khách có thể ngồi san sát đối diện nhau cho ấm cúng. Ảnh: Phong Vinh.
Ngồi cà phê không chỉ dành cho những người nhàn hạ, thích thưởng thức, mà còn là cách để bắt đầu ngày mới của những người dân lao động. Chính vì thế, ngồi ở quán bạn có thể bắt gặp rất nhiều con người không khoảng cách cùng nhấm nháp ly cà phê.
Đà Lạt có hàng trăm quán cà phê, mỗi quán có một phong cách riêng, nhưng cà phê Tùng để lại ấn tượng với nhiều thực khách khi chỉ phục vụ với một loại nhạc cổ điển, hòa tấu, tiền chiến. Những ca khúc bất hủ ấy cứ thay nhau hát lên suốt những năm qua và chưa hề thay đổi, gầy dựng nên bản sắc chỉ riêng của Tùng. Lắng nghe những giai điệu này giữa không gian xưa đọng lại cho lòng người khách ghé ngang những nỗi niềm chênh vênh.
Trên vùng cao nguyên đầy sương gió quanh năm này, vị cà phê Tùng sẽ làm bạn mãi lưu luyến. Ảnh: Phong Vinh.
Đặc biệt, nơi đây trước kia cũng là điểm dừng chân quen thuộc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều người kể lại rằng, tại nơi này ông đã gặp ca sĩ Khánh Ly lần đầu tiên. Cũng chính từ đó, những ca khúc mang nỗi niềm của ông được chính người con gái ấy thể hiện và còn vang mãi cho đến tận bây giờ.
Một điều khác khiến ai đến Tùng cũng luôn nhớ về đó là hương vị cà phê của quán. Vị cà phê đắng đậm đà, thơm lừng. Mỗi ly cà phê mang ra cho khách đều được chủ quán chăm chút cẩn thận.
Nhiều vị khách tìm đến Tùng như một chốn dừng chân thân quen, rồi thả mình vào những trang sách để tâm hồn được thanh thản. Ảnh: Phong Vinh.
Theo lời kể lại của chủ quán, các thi sĩ trước đây hay chọn Tùng làm nơi ghé chân, gặp mặt bạn bè hay đàm đạo thơ ca. Khi tiết trời se lạnh, bên ly cà phê nóng nghi ngút khói cũng là lúc họ đến quán để tìm cảm hứng cho tác phẩm của mình. Chính vì vậy, cà phê Tùng còn được biết đến là nơi gặp gỡ của các bậc thi sĩ.
Quán cà phê nhỏ này từ lâu đã trở thành một góc quen, là chốn hoài niệm cho những người luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại. Bạn hãy thử một lần tìm đến quán, thả mình vào những giai điệu quá khứ, nghĩ về cuộc sống để tìm cho mình những giây phút thật sự an yên.
Theo Phong Vinh