Sau hai tháng cách ly xã hội, phố phường Đà Nẵng nhộn nhịp trở lại khi người dân được tắm biển, tập thể dục ngoài trời và đi chợ truyền thống...
Khung cảnh nhộn nhịp ở vỉa hè đường Bạch Đằng (quận Hải Châu), lúc 5h45 ngày 30/9 và cảnh khác biệt khi thành phố thực hiện cách ly xã hội từ 31/7 đến 29/9.
Ngày 28/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ban hành văn bản về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, thay thế cho yêu cầu cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" áp dụng từ 18h ngày 31/7. Văn bản mới có hiệu lực từ 0h ngày 30/9.
Người dân tìm đến công viên biển Đông tập thể dục vào sáng sớm. Dù mở lại nhiều hoạt động, thành phố chỉ cho phép các hoạt động thể thao ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp.
Người dân Đà Nẵng được tắm biển từ 4h30 đến 6h30.
Thành phố cấm tắm biển để chống dịch từ trưa 15/7 đến nay. Trong ngày đầu tiên nới lỏng, cảnh tắm biển không quá đông đúc. Đang giữa tuần nên nhiều người trang thủ đi tắm sớm và về đi làm.
6h30 ngày 30/9, nhân viên cứu hộ thổi còi thông báo để người dân kết thúc việc tắm biển.
Người dân đeo khẩu trang ngay khi lên khỏi biển. Thành phố yêu cầu người dân phải rời đi, không được tụ tập trên bãi cát. Khu vực tắm nước ngọt cũng chưa được phép mở cửa hoạt động.
Nhiều người thích thú khi xem cảnh kéo lưới sau thời gian dài thành phố cách ly xã hội. Những mớ cá tươi rói được mua ngay khi đưa lên bờ.
Cầu Rồng sáng 30/9, người dân đi lại đông đúc. Trước đó trong thời gian Đà Nẵng cách ly xã hội, các chốt được dựng lên để kiểm soát phương tiện, lượng người ra đường thưa vắng hơn.
Sáng 30/9, khu vực đường Điện Biên Phủ đoạn qua hầm chui Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê) nhộn nhịp xe cộ qua lại, khác hẳn với cảnh vắng vẻ khi thành phố tạm dừng mọi hoạt động. Đây là tuyến đường huyết mạch nối các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ với trung tâm thành phố.
Thành phố cũng cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự hoạt động trở lại, nhưng không tập trung quá 30 người cùng một thời điểm. Các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp được mở lại, không tập trung quá 20 người.
Các tiệm tóc mở lại, đón nhiều khách đến làm đẹp. Chủ tiệm và khách chấp hành việc đeo khẩu trang. Số lượng khách không vượt quá 50% công suất phục vụ của tiệm.
Anh Nguyễn Hoàng Hưng, chủ tiệm tóc Hưng Samurai (số 23 đường Lê Độ), cho biết các nhân viên làm việc tại đây đã được tiêm một mũi vaccine Covid-19. "Từ hôm qua đến nay rất nhiều khách quan liên lạc để đặt giờ đến cắt tóc. Tôi cũng điều tiết khách, không để đông người cùng đến tiệm trong một thời điểm", anh Hưng nói.
Chợ truyền thống được phép mở lại với điều kiện bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua; tiểu thương và những người làm việc trực tiếp tại chợ phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi Covid-19.
Theo ghi nhận, các chợ vắng vẻ vì người dân đã đi chợ 3 ngày/lần theo thẻ QRCode; ngoài ra, các chợ tự phát mọc lên ở nhiều tuyến đường những ngày gần đây nên nhiều người dân tiện đường ghé mua.
Thành phố cũng cho các khách sạn, cơ sở lưu trú được hoạt động không quá 30% số phòng hiện có; nếu khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì được lưu trú tối đa không quá 50% số phòng (chưa được tổ chức dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú).
Ghi nhận tại phố Võ Nguyên Giáp ven biển và các tuyến đường lớn xung quanh, các khách sạn vẫn đóng cửa im lìm vào sáng nay (30/9), chỉ có người dân đi tập thể dục qua lại buổi sáng sớm, sau đó là cảnh vắng vẻ.
Đến nay, có 51/56 xã, phường ở Đà Nẵng là vùng xanh (sau 14 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc Covid-19 và không có khu vực bị phong toả). Thành phố còn 8 điểm phong toả (vùng đỏ), tập trung ở một số phường của quận Hải Châu và quận Liên Chiểu.
Trong ảnh, nhân viên shipper phải đặt hàng lên bàn trước khu cách ly, khử khuẩn và để khách ra nhận. Tiền được người mua đặt lại trên bàn để shipper đến nhận sau đó.