Nếu một lần được đặt chân đến vùng đất Cao Bằng, du khách sẽ cảm nhận được tình người nơi đây thật đáng quý biết bao. Nấu ra những món ăn ngon cũng là cách để người dân thể hiện sự hiếu khách của mình
Vịt quay 7 vị
Phải nói rằng đây là món ngon nức tiếng ở xứ vùng cao này. Vịt ở đây sở dĩ ngon đến vậy là do được tẩm ướp 7 thứ gia vị riêng của núi rừng. Vịt sau khi quay có da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Thịt ăn chắc ngọt, mềm nhưng không bở, không dai. Cắn ngập vào miếng thịt, người ta phải nhai thật chậm để thưởng thức hết vị ngọt của mật ong rừng quyện với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt thấm đượm trên đầu lưỡi.
Bánh trứng kiến
Bánh Trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, có hàm lượng đạm cao. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến.
Xôi trám
Xôi trám ăn bổ, béo, vị là lạ nhưng khá là ngon so với những loại xôi thông thường như gấc, đỗ. Nên ăn thử loại xôi này một lần để cảm nhận được sự khác biệt như thế nào.
Bánh khảo
Bánh khảo là loại bánh cổ truyền không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên. Bánh được ví như là lương khô của người dân vùng cao. Bánh khảo là loại bánh ai cũng làm được nhưng phải tỉ mỉ thì bánh mới ngon. Thông thường, người Tày sẽ trộn thêm nhân đậu phộng, vừng, thịt mỡ để bánh có thêm hương vị đặc biệt. Bánh sau khi đóng khuôn xong sẽ được cắt thành từng phong nhỏ, gói lại thật khéo bằng một lớp giấy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Đây là thứ quả chỉ có thể mọc trên vùng núi cao tỉnh Cao Bằng. Bởi vậy, nếu đi ngang qua nơi đây, du khách nên mua cho mình vài túi hạt dẻ về làm quà. Hạt dẻ ở đây có màu nâu đều, tròn trịa, thịt chắc, vị bùi mà không ngậy. Hạt dẻ có thể đem luộc, rang, sấy hoặc ninh cùng thịt gà, chân giò vẫn giữ nguyên được mùi vị mà lại tăng thêm hương vị cho món ăn.
Miến dong đen
Những miếng miến bóng đẹp, giòn dai, có hương vị đặc trưng của bột dong mà không hề sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào. Ngày tết đến, không bao giờ có thể thiếu bát canh miến trên mâm cổ cúng tất niên. Bát canh miến nghi ngút khói với đầy đủ thịt gà, mộc nhỉ, nấm hương, thêm chút rau ngò khiến ai cũng cảm thấy ấm áp, đầy tình thương.
Lạp xưởng hun khói
Nhân của lạp xường được làm bằng thịt lợn mán đen. Tất cả được băm nhỏ và tẩm ướp gia vị, mật ong, mía... và không thể thiếu một ít rượu trắng, nước gừng, quả mắc mật rồi nhồi vào bong bóng để trở thành lạp. Cuối cùng là phơi khô khoảng ba nắng rồi treo lên bếp lửa.
Theo Ngọc Phạm (tổng hợp) (Dân Việt)