Nấm mối mọc thành từng cụm dọc theo các lô cao su, người dân hái về chế biến thành món ngon như canh gà nấm, nấm kho tiêu.
Sau một vài cơn mưa đầu mùa hạ, tiết trời oi bức là thời điểm cho những loại nấm phát triển. Không rõ từ khi nào, cư dân sống bằng nghề trồng cao su ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đều có thói quen vào rừng tìm nấm mối khi mùa mưa đến. Đây cũng được xem là loài đặc sản quý giá bởi nấm không thể trồng mà chỉ mọc tự nhiên theo mùa.
Đồng Hao (tên thật là Trần Văn Hiền), sinh năm 1997, quê Bình Phước, chủ kênh YouTube Ẩm Thực Đồng Hao, vừa đăng tải video về quá trình hái nấm mối và chế biến loại đặc sản thành các món ngon trong bữa cơm hàng ngày. Video gây ấn tượng với người xem qua lời kể gần gũi về ký ức tuổi thơ cùng bạn hái nấm, hương vị thơm ngon của món ăn trong bữa cơm giản dị dưới cánh rừng cao su bạt ngàn tại mảnh đất miền Đông Nam Bộ. Sau 2 ngày đăng tải, video có hơn 15.000 lượt xem cùng hàng trăm lượt tương tác tích cực, chia sẻ cảm nhận về loại đặc sản này.
Nấm mối mọc trong rừng cao su ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Ẩm Thực Đồng Hao/YouTube
"Nấm mối có màu trắng, gốc hơi ngả vàng. Từ nhỏ, mình đã mê cái vị ngọt lịm của nấm mối. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nấm mối, sáng sớm tinh mơ mình sẽ đi hái nấm, mất vài tiếng đi tìm chúng ở các lô cao su, khi nào hái đầy rổ mới chịu về nhà", Đồng Hao chia sẻ.
Đất trong rừng cao su phủ đầy lá mục, nấm mối chỉ mọc vươn lên khỏi mặt đất chừng 4 đến 5 cm, người hái nấm phải quan sát kỹ và dùng cây nhỏ để bới lá tìm nấm. Đầu mùa mưa nên đất xốp mềm, người ta có thể dùng tay không bới đất quanh gốc nấm để nhổ được cả rễ sâu bên dưới. Nấm phải hái cẩn thận và không làm chúng bị dập vì có thể làm giảm độ tươi ngon của món ăn.
Nấm mối chỉ mọc ở những vùng đất sạch, nếu đất đã qua canh tác bằng phân hóa học, thuốc trừ sâu thì nấm sẽ không mọc. Bởi theo người địa phương, nấm mối là loài thực vật mọc lên từ chất thải của con mối, loại này có hình thù giống mối ăn gỗ thông thường nhưng lại làm tổ dưới mặt đất, nơi gò cao. Tổ nấm mối là những mô xốp cỡ chiếc nia. Một gò nấm có vài chục tổ như vậy. Mỗi năm thường có 3 đến 5 đợt nấm mọc.
Đồng Hao hái nấm và chế biến thành các món ngon trong bữa cơm hàng ngày. Video: Ẩm Thực Đồng Hao/YouTube
Nấm mối có giá trị dinh dưỡng cao lại quý hiếm nên công đoạn sơ chế không cầu kỳ, giữ nguyên trạng nhất có thể. Nấm hái về cạo bỏ lớp đất bám dưới gốc rồi rửa sạch để ráo, chế biến thành các món ăn hấp dẫn như: nấu cháo, xào mướp, làm chà bông, kho tiêu, nấu canh súp, nướng muối ớt... Tuy dân dã, nhưng hương vị của nấm mối thật không kém các loại thức ăn thượng hạng.
Riêng Đồng Hao, anh dùng nấm mối đã thu hái được đem nấu canh gà. Gà chọn loại thả vườn có thịt chắc, thơm và không bở, làm sạch rồi chặt miếng vừa ăn. Anh băm nhỏ hành tím, cho vào nồi dầu sủi tăm, đảo vàng đều rồi cho thịt gà xào săn, thêm nước nấu sôi. Nấm mối được cho vào khi thịt gà đã chín, không nấu nấm lâu vì dễ bị nhũng, mất ngon.
Nấm mối vốn mang vị tươi ngọt nên khi nấu không nêm nếm cầu kỳ để giữ nguyên vị, cho thêm ít muối, bột ngọt, tiêu xay nhuyễn, hành lá cắt nhỏ là tròn vị. Bữa ăn còn có thêm nấm mối kho tiêu và nấm mối ướp muối ớt gói giấy bạc nướng than hồng.
Món ăn bình dị, thơm ngon từ nấm mối trong rừng cao su. Ảnh: Ẩm Thực Đồng Hao/YouTube
Ngoài miền Đông Nam Bộ, một số tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng có nhiều nấm mối, người miền Tây thích dùng nấm mối để làm nhân bánh xèo, lấy nấm mối đi ướp một ít muối ớt rồi xào sơ qua với tỏi sấy, xong đem bỏ vào chiếc bánh xèo vàng tươi trên bếp là có ngay món bánh xèo giòn tan, thơm phức mùi bột gạo pha nước cốt dừa, kèm theo cái vị thanh ngọt, giòn giòn của nấm mối.
Theo các thương lái, nấm mối tại miền Tây như Bến Tre có hương vị ngon ngọt hơn so với nấm mối mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên. Hiện đang là mùa nấm mối nên giá thực phẩm này giao động từ 600.000 đến 800.000 đồng mỗi kg. Nấm đầu mùa ngon ngọt và có độ dai, giòn, bổ dưỡng nên thường xuyên "cháy hàng".
Huỳnh Nhi