Trong kế hoạch phát triển du lịch, nhiều vùng như Đông Bắc, Tây Bắc đang có kế hoạch phát triển các điểm đến vệ tinh để giảm áp lực cho những trung tâm du lịch đông đúc. Theo chuyên gia của UNESCO, đây là cách hay nhưng cần cẩn trọng để tránh làm nên những bản sao của các trung tâm du lịch cũ và nên cẩn trọng tránh phụ thuộc quá nhiều vào du lịch đại chúng.
Giới thiệu đặc sản vùng Đông Bắc ở Hội nghị Liên kết Phát triển Du lịch TPHCM và các tỉnh Đông Bắc. Hội nghị diễn ra vào ngày 20-11 tại Quảng Ninh. Ảnh: Đào Loan
Trong Hội nghị Liên kết Phát triển Du lịch TPHCM và các tỉnh Đông Bắc tại tỉnh Quảng Ninh hôm 20-11 rồi, nhiều doanh nghiệp đã đánh giá cao ý kiến của ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Chuyên gia này đưa ra ý kiến về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của vùng nhằm định hướng tương lai phát triển du lịch địa phương nói riêng và sự phát triển bền vững chung của Việt Nam. Trong đó, ông đề cập đến việc phát triển các điểm đến vệ tinh.
Ông Croft bắt đầu ý kiến bằng câu chuyện kể về chuyến thăm huyện Bình Liêu để tham dự lễ hội văn hóa “Hội Mùa Vàng”, được tổ chức lần đầu tiên ở Bình Liêu hai tuần trước.
Tại đây, chuyên gia này được tham gia vào lễ cưới của một cặp đôi người dân tộc Sán Chỉ và hòa mình vào lễ hội “Lễ Cầu Mùa” của cộng đồng người Sán Chỉ, những người chỉ ở trên đồi. Ông cũng được tham quan một mô hình homestay, khởi nghiệp trong lĩnh vực trang trại trồng hoa ở bản Sông Moóc, nơi tất cả nhân viên đều là người dân tộc thiểu số.
Khác với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu là một huyện nghèo cho nên du lịch đang được tỉnh và địa phương đẩy mạnh, kỳ vọng là một lực đẩy mới để đưa kinh tế địa phương đi lên.
Chuyên gia này cho rằng, sự phát triển du lịch ở đây đã đưa ra một số gợi ý về sự phát triển trong tương lai, nhắc nhở về những khả năng có thể xảy ra khi phát triển những điểm đến vệ tinh xung quanh những trung tâm du lịch.
Theo ông, các tỉnh vùng Đông Bắc gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh có những nét tương đồng về địa lý và khí hậu. Đây là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số nên bức tranh đa văn hoá cũng thể hiện rõ nét. Nét đặc sắc này cùng với cảnh quan địa lý ngoạn mục là nguồn lực tốt để phát triển bền vững cho vùng.
Tuy địa lý và khoảng cách mang lại cảm giác tách biệt nhưng đây cũng có thể là yếu tố nhằm nuôi dưỡng sự tiếp cận bền vững trong việc hỗ trợ văn hóa và phát triển địa phương, thay cho sự phát triển nhanh chóng, quá mức dẫn tới một số trường hợp đã lấn át cộng đồng, cơ sở hạ tầng và văn hóa.
Theo ông Croft, đại dịch Covid-19 tuy làm du lịch suy thoái nhưng cũng cho thấy nên cẩn trọng trong việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch đại chúng. "Cân bằng là con đường mà Quảng Ninh nên theo đuổi để quảng bá Bình Liêu như một điểm đến vệ tinh có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách trong nước cũng như quốc tế. Điều này giúp giảm áp lực cho Hạ Long và mang lại nhiều cơ hội hơn cho huyện", ông nói.
Chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng cần lưu ý là tỉnh không nên xây dựng Bình Liêu như một Sa Pa mới mà nên hỗ trợ sự phát triển từng bước, tôn trọng môi trường và di sản văn hóa địa phương. Đây mới chính là nét quyến rũ của Bình Liêu và là tài sản kinh tế lớn nhất của huyện.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp du lịch hay nhắc đến Sa Pa như một ví dụ điển hình về sự phát triển du lịch quá mức và khai thác du lịch đại trà (du lịch đại chúng) quá nhiều làm ảnh hưởng đến những dòng khách khác. Trong đó, nhiều du khách châu Âu, vốn là những người rất mê khám phá thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng này đã không muốn quay lại.
Ông Croft cho rằng, nền kinh tế sáng tạo, du lịch đa văn hóa là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển của một xã hội năng động, sôi nổi và sáng tạo ở Việt Nam. Nên đưa đưa văn hóa trở thành yếu tố cốt lõi để tăng cường liên kết nông thôn - thành thị hướng tới sự phát triển khu vực cân bằng và bền vững hơn.