Trải qua hàng triệu năm hoạt động kiến tạo địa chất, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hình thành nên kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mang vẻ đẹp hoang sơ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Trải qua hàng triệu năm hoạt động kiến tạo địa chất, huyện đảo Lý Sơn ( tỉnh Quảng Ngãi) còn nguyên vẹn dấu tích 10 miệng núi lửa cổ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Trong đó, sáu miệng núi lửa ở đảo Lớn, một miệng ở đảo Bé, ba miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển.
Theo PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, di sản địa chất ở đảo Lý Sơn ví như bảo tàng thiên nhiên núi lửa biển. Miệng núi lửa Thới Lới cao 149m, Hòn Sỏi cao 106m, Giếng Tiền cao 86m đều là những đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách.
Ông Minh cho biết thêm, miệng núi lửa ngầm ở độ sâu 40-50m phía nam đảo Lý Sơn có đường kính tương đương với miệng núi lửa Thới Lới trên mặt đất. Phía tây đảo Lớn cũng có núi lửa ngầm dưới biển nhô cao gần khu vực thắng cảnh Giếng Tiền. Đây là nguồn tài nguyên quý cần được khai thác phục vụ phát triển du lịch lặn biển khám phá núi lửa biển.
Riêng ba vách đá Hang Cau, chùa Hang, Giếng Tiền trải dài hàng trăm mét và cổng Tò vò nham thạch núi lửa có giá trị lớn về khoa học, cảnh quan kỳ vĩ. Tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo ở Lý Sơn là độc đáo hiếm hoi thế giới.
Vách đá hang Cau kỳ vĩ uốn lượn bao bọc dấu tích miệng núi lửa Thới Lới. Miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh núi Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm, có đường kính 0,35km, cao 149m. Đây là đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách khi đến huyện đảo Lý Sơn.
Không chỉ sở hữu di sản thiên nhiên độc đáo, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có đến hàng chục di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, liên quan trực tiếp, gián tiếp đến chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nổi bật nhất là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch hằng năm ở các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn. Tháng 4/2013, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.
Theo các bộ chính sử triều Nguyễn, đội Hoàng Sa hoạt động liên tiếp từ thế kỷ 17 (khoảng 400 năm trước), đầu thời chúa Nguyễn, đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang triều Nguyễn, ngay từ thời Gia Long đã sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa, tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Trường Sa, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ...
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi nhận định huyện đảo Lý Sơn là "bảo tàng sống động" về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ngoài ra, con người nơi đây nồng hậu, thân thiện góp phần tạo "điểm đến Lý Sơn" ấn tượng trong lòng du khách gần, xa.
Du khách check-in tại cổng Tò Vò nằm ở khu vực phía đông đảo. Đây là một cổng đá, cao hơn 2m. Theo người dân, nham thạch phun trào từ núi lửa cách đây 2 triệu năm, bị đông cứng khi gặp nước biển đã tạo thành cổng vòm với hình dạng đặc biệt này.
Huyện đảo Lý Sơn còn nguyên vẹn dấu tích các miệng núi lửa như: Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Tai, Hòn Sỏi... mở ra chuỗi kỳ quan biển đảo độc đáo thu hút du khách.
Huyện đảo Lý Sơn có đảo Lớn (An Vĩnh và An Hải) và đảo Bé (An Bình) nằm cách đất liền khoảng 30km. Với lợi thế khung cảnh hoang sơ, những năm gần đây, Lý Sơn luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.